07:17 28/07/2020

Họp trực tuyến Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 thành công tốt đẹp

Tại Cuộc họp trực tuyến Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam tổ chức mới đây, Chủ tịch Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhấn mạnh: “Cuộc họp đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự đề ra, mang đến một diễn đàn cởi mở, xây dựng dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên Ban điều hành để quyết định những vấn đề quan trọng đối với các hoạt động của ASOSAI và đưa đến các hành động cụ thể hướng tới tầm nhìn, sứ mệnh của Tổ chức”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu KTNN Việt Nam. Ảnh: KTNN.

Tham dự Cuộc họp có 12 SAI thành viên Ban điều hành ASOSAI gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Kuwait, Indonesia, Malaysia,  Nepal, Nga, Thái Lan; 2 SAI thành viên Uỷ ban Kiểm toán: Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI). 

Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến khó lường ở khu vực và trên thế giới, Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự có mặt đông đủ của tất cả các SAI thành viên Ban điều hành và các vị khách quý. Đây là xu thế tất yếu của các tổ chức quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng là minh chứng cho sự nỗ lực của các SAI thành viên ASOSAI, đặc biệt là SAI Trung Quốc - Tổng thư ký ASOSAI - trong việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho cuộc họp. 

Tổng KTNN tin tưởng, với việc cải tổ chương trình nghị sự cho phù hợp với hình thức họp trực tuyến, cùng những nỗ lực và tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc của các thành viên Ban điều hành, cuộc họp sẽ diễn ra thành công tốt đẹp và đạt kết quả như mong đợi. 

Trong khuôn khổ của cuộc họp, Chủ tịch ASOSAI đã trình bày báo cáo về các hoạt động của Ban điều hành kể từ cuộc họp lần trước. Tiếp đó, các thành viên Ban điều hành đã tập trung thảo luận và thống nhất nhiều vấn đề nghị sự quan trọng của ASOSAI như: hoạt động phát triển năng lực và sự hợp tác của ASOSAI với các tổ chức khu vực; kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2022 - 2027; kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường giai đoạn 2020 - 2022 với 2 cuộc kiểm toán hợp tác về giao thông bền vững và việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, 1 Đề án nghiên cứu về biến đổi khí hậu. 

Ban điều hành cũng đã thống nhất tiếp tục gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thư ký ASOSAI (SAI Trung Quốc) trong nhiệm kỳ 2021 - 2024; thông qua việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một trong những quyết định có tính tiên phong của ASOSAI, là 1 trong 7 Nhóm làm việc khu vực của INTOSAI (Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao) để triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược của INTOSAI về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và những mục tiêu chiến lược, ưu tiên của ASOSAI trong thời gian tới đã nhận được sự đồng thuận cao từ thành viên Ban điều hành để làm nền tảng hình thành Chiến lược phát triển ASOSAI giai đoạn 2022 - 2027. 

Đáng chú ý, tại cuộc họp lần này, KTNN Việt Nam đã trình bày “Báo cáo về cuộc kiểm toán hợp tác về môi trường của ASOSAI tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2020 - 2021” với đề xuất lựa chọn chủ đề “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”. Theo dự kiến, cuộc kiểm toán do KTNN Việt Nam chủ trì, có sự tham gia của một số SAI thành viên ở Đông Nam Á. 

Báo cáo cho biết, những năm gần đây, vùng hạ nguồn sông Mê Công liên tục bị ảnh hưởng và đối mặt nguy cơ mất an ninh nguồn nước với tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, triều cường…do biến đổi khí hậu và đặc biệt là việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn để khai thác, sử dụng nước trên các sông nhánh và dòng chính sông Mê Công làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu. Giai đoạn 2012 - 2013, các SAI: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã thực hiện thành công cuộc kiểm toán song song về vấn đề nước lưu vực sông Mê Công. Kết quả kiểm toán cho thấy ở phạm vi quốc gia, thực trạng khai thác, sử dụng nước bất hợp lý và ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Ở phạm vi khu vực, Hiệp định Mê Công 1995 chưa được thực hiện hiệu quả và thiếu sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế… Mặc dù một số khuyến nghị đã được thực hiện ở tầm quốc gia song vấn đề sông Mê Công vẫn là thách thức và quan ngại lớn của hầu hết các quốc gia liên quan và cộng đồng khu vực.

Chính vì vậy, cuộc kiểm toán hợp tác lần này được kỳ vọng sẽ đem lại những phân tích, đánh giá và giải pháp mang tính bền vững nhằm cải thiện môi trường sống của các quốc gia lưu vực sông Mê Công, qua đó kêu gọi sự quan tâm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế về vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Việc chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán này thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của KTNN Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASOSAI đối với việc thúc đẩy thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018, tăng cường bảo vệ môi trường trong khu vực.

Đặc biệt, các thành viên Ban điều hành đã thảo luận và chia sẻ những sáng kiến, cách thức và phương pháp phù hợp nhằm kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Điều này khẳng định trách nhiệm, năng lực và vai trò ngày càng cao của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong việc giải quyết những vấn đề mới nổi của khu vực. 

Thực tế, thế giới đã và đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Vai trò của các SAI trong việc hỗ trợ chính quyền, doanh nghiệp và người dân để đối phó với khủng hoảng COVID-19 càng được đề cao. Các SAI trên thế giới đã và đang tiến hành kiểm toán các khoản chi tiêu công được sử dụng để thực thi giải pháp chống virus corona, những gói mua sắm lương thực và đồ dùng thiết yếu phục vụ hỗ trợ công tác xã hội, đồng thời đánh giá các cơ chế chính sách khuyến khích tài chính hiện hành. Nhiều SAI bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực trong việc đánh giá mang tính chất định tính về tính hiệu quả và hiệu lực của các quyết sách do chính phủ các nước ban hành. 

Ứng phó với COVID-19, KTNN Việt Nam cũng đã có những quyết định kịp thời nhằm đảm bảo bộ máy làm việc vẫn tiếp tục được vận hành để hoàn thành kế hoạch năm đề ra, trong đó có việc điều chỉnh kế hoạch kiểm toán năm, tăng cường thời gian làm việc tại nhà và văn phòng, giảm thời gian kiểm toán thực địa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản trị hành chính và kiểm toán. Đặc biệt, KTNN Việt Nam dự kiến xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương của Nhà nước để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khủng hoảng.

 Cụ thể, KTNN Việt Nam tập trung vào đánh giá việc điều hành ngân sách Nhà nước năm 2020 và các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19; lựa chọn chủ đề kiểm toán thuộc các lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này là quản lý giá điện, xăng dầu, lương thực - những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống người dân. KTNN Việt Nam cũng tăng cường kiểm toán các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.

(Tin tức/TTXVN)