05:09 26/05/2023

Hợp tác sản xuất gạch không nung bằng công nghệ sạch, bền vững

Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đơn vị này vừa ký biên bản hợp tác với đại diện của 5 doanh nghiệp Hàn Quốc về sản xuất gạch không nung bằng công nghệ sạch, bền vững. Đây là bước ngoặt mới mở ra việc hợp tác giữa hai bên trong việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới sản xuất gạch không nung.

Chú thích ảnh
Sản phẩm gạch không nung từ tro xỉ và tro bay của Công ty TNHH Vật liệu xanh Duyên Hải DGM tại thị xã Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh minh họa: Thanh Hòa/TTXVN

Ông Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng khẳng định, chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc phát triển vật liệu xây không nung, đồng thời giảm dần gạch đất sét nung là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển đất nước bền vững, kết hợp hài hòa các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường.

Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều Quyết định và Nghị định phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Hướng tới mục tiêu tăng lượng tiêu thụ và sản xuất vật liệu xây không nung dần thay thế gạch đất sét nung, Việt Nam cần tiếp cận với các công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung mới trên thế giới; trong đó có công nghệ sản xuất gạch không nung bằng công nghệ sạch, bền vững của Hàn Quốc - ông Thành chia sẻ.

Đánh giá tổng quan về tình hình sử dụng vật liệu xây nung và không nung tại Việt Nam hiện nay, ông Đào Thái Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Phát triển Vật liệu xây dựng cho biết, Việt Nam đang có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 25 tỷ viên/năm. Sản lượng gạch đất sét nung sản xuất hàng năm ước đạt khoảng 60 - 70% tổng công suất thiết kế.

Cùng đó là khoảng 2.500 cơ sở sản xuất gạch không nung có tổng công suất thiết kế đạt khoảng 15 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm; trong đó, gạch bê tông chiếm tỷ trọng khoảng 80% công suất thiết kế, còn lại là gạch bê tông khí chưng áp và gạch bê tông bọt. Sản lượng gạch không nung sản xuất hàng năm ước đạt khoảng 50 - 60% tổng công suất thiết kế.

Theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/08/2020, thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, dần thay thế vật liệu xây nung hướng tới giảm lượng phát thải nhà kính CO2, bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế bền vững.

Công ty SK Ecoplant và Công ty Grit C (Hàn Quốc) thông tin, hiện các doanh nghiệp này đang phát triển loại phụ gia HUMUS - sử dụng thành phần vô cơ thân thiện với môi trường và dễ dàng điều chỉnh tỷ lệ pha trộn dựa trên thành phần đất. Tỷ lệ pha trộn phụ gia thấp so với tổng trọng lượng gạch, chỉ từ khoảng 0,1 - 0,3%. Thành phần xi măng nhỏ khoảng 4 - 8% so với các phụ gia thông thường.

Hiện nay, phụ gia HUMUS đang được ứng dụng rộng rãi để thi công nền đường, công trình và sản xuất gạch không nung. So với gạch không nung truyền thống thì gạch không nung HUMUS nhiều lợi thế như: chi phí đầu tư thấp hơn, diện tích nhà máy nhỏ; nguyên liệu sản xuất đa dạng, dễ kiếm, không dùng nhiên liệu hóa thạch…

Cùng đó, tỷ lệ hao hụt thấp, gần như bằng không. Chất lượng gạch tốt, sản xuất được nhiều mẫu mã và chủng loại theo yêu cầu khách hàng. Đặc biệt, sản phẩm có giá thành hợp lý và không bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc nhận xét, việc các doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác và bước đầu chuyển giao công nghệ sang Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển trong thời gian tới. Việc hợp tác và tiếp thu công nghệ mới cần được tiếp tục tăng cường; đồng thời, mở rộng nghiên cứu vật liệu xây dựng hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thu Hằng (TTXVN)