12:06 22/12/2017

Hợp tác quốc tế trong bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) bao gồm giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan, thiên nhiên có ý nghĩa trong việc giáo dục giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Quần thể đền tháp Mỹ Sơn là phế tích kiến trúc khảo cổ học với nhiều loại hình kiến trúc phong phú, đa dạng đã tồn tại hàng ngàn năm. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản này trước sự tàn phá của thời gian là việc vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, bảo tồn, trùng tu di tích sẽ mang lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội, góp phần thu hút du khách, tăng nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống. Trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn, hợp tác quốc tế có vai trò hết sức quan trọng.

"Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, Tổ chức UNESCO cũng như Chính phủ các nước Nhật Bản, Ba Lan, Ấn Độ đã hỗ trợ Quảng Nam trong việc trùng tu và giữ gìn di sản. Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam cũng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác để gìn giữ giá trị lịch sử này. Chính phủ Ấn Độ đã tài trợ hơn 50 tỷ đồng cho Dự án bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn", ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn chia sẻ.

Các dự án hợp tác này đều thực hiện bài bản, theo đúng quy trình và phương pháp khoa học, tôn trọng tính chân xác của lịch sử đến mức tối đa có thể. Các công trình tiêu biểu như: Trùng tu khu tháp B,C,D do chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Ba Lan thực hiện; trùng tu tháp E7 do Viện bảo tồn Di sản Việt Nam thực hiện... Kết quả hợp tác quốc tế đã giúp di sản chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Trong quá trình thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo, phục hồi tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn có rất nhiều yếu tố tác động như lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, kết cấu công trình... Vì vậy, đảm bảo cơ sở pháp lý và khoa học là điều kiện tiên quyết trong công tác trùng tu di sản này.

Trùng tu tháp K dưới sự hướng dẫn và giám sát của chuyên gia Ấn Độ. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Ở hai di tích nhóm tháp K và H, trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, các công trình đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng; Dự án trùng tu, phục hồi các công trình này là rất cần thiết. Từ tháng 2/2017, các nhà nghiên cứu, cơ quan nghiên cứu của Ấn Độ đã đến Mỹ Sơn để cùng với ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn tiến hành các chương trình nghiên cứu, hợp tác theo thỏa thuận hợp tác đã được đề cập trong bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ.

Đầu tháng 3/2017, các chuyên gia Ấn Độ đã tiến hành các bước thực địa tại di tích và dự án chính thức hoạt động. Trong quá trình hợp tác, Ban Quản lý đặc biệt chú trọng công tác đào tạo chuyên môn và chuyển giao công nghệ tiên tiến của Ấn Độ cho cán bộ của đơn vị tham gia dự án. Bước đầu, dự án đã có những kết quả đáng ghi nhận, với những phát hiện mới về kiến trúc xung quanh tháp K, được đánh giá sẽ góp phần nhận diện nhiều giá trị mới tại Mỹ Sơn thời gian tới.

Kỹ sư B. Kumar, nhà khảo cổ học Ấn Độ, Trưởng nhóm trùng tu, tôn tạo Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn khẳng định: Mỹ Sơn là di sản kiến trúc không chỉ phản ánh kỹ thuật xây dựng mà còn chứa đựng lịch sử thời đại, “một kiệt tác về kiến trúc nghệ thuật” được bố trí trong cảnh quan thiên nhiên phù hợp theo quan niệm tôn giáo.

Đặc điểm này đặt ra yêu cầu rất nghiêm ngặt, đó là phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Cảnh quan Mỹ Sơn là một phần giá trị nổi bật toàn cầu đã góp phần tạo dựng danh hiệu di sản. Cũng chính vì thế, bảo tồn Mỹ Sơn ngày nay là việc bảo tồn, tôn tạo di tích và cảnh quan, thu hẹp không gian hoang phế, từng bước trả lại giá trị vốn có, mang lại sinh khí cho di tích.

Từ quá trình hợp tác, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp du lịch tham gia quảng bá, ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành chủ động tổ chức nhiều hoạt động để thu hút du khách, giúp Mỹ Sơn trở thành diểm du lịch hấp dẫn. Trong năm 2017, tổng lượt khách đến Mỹ Sơn đạt trên 290.000 lượt người, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt gần 50 tỷ đồng. Nguồn thu này đã góp phần quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản, cộng đồng và xã hội cũng được hưởng lợi từ di sản, góp phần vào sự truyền tiếp các thông điệp về giá trị di sản cho thế hệ tương lai.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)