06:15 05/06/2015

Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ minh bạch, vì lợi ích chung

Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Việt Nam, TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh.

Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Việt Nam, TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Quang cảnh buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Ashton Carter sáng 1/6 tại Trụ sở Bộ Quốc phòng (Hà Nội). Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


* Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter là chuyến thăm thứ 5 của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Theo Thứ trưởng, so với các chuyến đi của những người tiền nhiệm, chuyến đi của ông Carter tạo ra những dấu ấn gì?

Nhìn chung, những chuyến thăm trước mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ. Và chuyến thăm lần này tới Việt Nam của ông Ashton Carter cũng cũng không nằm ngoài mục đích đó: tăng cường hiểu biết lẫn nhau và bàn các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam – Mỹ.

Tuy nhiên, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra vào một thời điểm rất đặc biệt khi Việt Nam và Mỹ đang kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh và 20 năm bình thường hóa quan hệ. Ngay trong câu nói đầu tiên, ông Carter cho biết hoạt động đến Việt Nam lần này là nhằm kỷ niệm 20 bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ và 40 năm kết thúc chiến tranh. Thông qua chuyến thăm, ông Ashton Carter khẳng định Mỹ hài lòng vì mối quan hệ Việt Nam – Mỹ nói chung cũng như quan hệ quốc phòng nói riêng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bày tỏ, đã 20 năm trôi qua, quan hệ quốc phòng Việt Nam – Mỹ cần được định hình và tiếp tục phát triển.

Về phía mình, Việt Nam hoàn toàn nhất trí với cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Nhân dịp 20 bình thường hóa quan hệ và 40 năm kết thúc chiến tranh, cả hai bên cần xem xét hướng đi của mối quan hệ quốc phòng, sự thích ứng của nó với đặc thù quan hệ Việt Nam – Mỹ, cũng như những lợi ích mà mối quan hệ này đem lại cho quan hệ chung giữa Việt Nam và Mỹ mà cho đến nay đó là mối quan hệ đối tác toàn diện.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng cùng thống nhất, quan hệ quốc phòng Việt Nam – Mỹ giữa hai nước trong 20 năm vừa qua đã đi đúng nhịp độ trên cơ sở mối quan hệ chung giữa Việt Nam – Mỹ, bằng những biện pháp và lĩnh vực phù hợp với mong muốn của cả hai bên. Kết quả chung của mối quan hệ đó là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin muốn là đối tác hợp tác của nhau.

Hợp tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực cụ thể đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, điển hình là kết quả các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh: tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích... Đây là những hoạt động vừa mang tính chất khắc phục hậu quả lịch sử, vừa nhằm xây dựng lòng tin để mở ra những cánh cửa hợp tác trong tương lai. 

Về 5 lĩnh vực hợp tác trong Biên bản ghi nhớ quốc phòng 2011, nhìn lại sau 4 năm, hai bên nhận thấy đã chọn đúng 5 lĩnh vực cả hai bên cùng cần, cùng có khả năng. Sự hợp tác này đem lại lợi ích cho mỗi nước, tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, đóng góp hòa bình, ổn định khu vực và không gây phương hại quốc gia nào.

Một dấu ấn được nhắc đến nhiều xung quanh chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là việc hai bộ trưởng ký Tầm nhìn về quan hệ quốc phòng hai nước Việt Nam – Mỹ, trong đó nêu lên các vấn đề cơ bản: Trước hết là nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập tự chủ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng chế độ chính trị, tôn trọng lợi ích của nhau.

Thứ hai, cơ sở cho mối quan hệ giữa hai nước là Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011 và 9 nội dung Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã thống nhất khi xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ năm 2013. Hợp tác quốc phòng Việt Nam Mỹ nằm trong khuôn khổ hai nội dung này.

Thứ ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định hợp tác giữa Việt Nam – Mỹ đóng góp cho hòa bình ổn định khu vực, không phương hại bất kì quốc gia nào, không nhằm vào bất kì quốc gia nào. Đây không phải là cách nói trấn an, mà là cách nói để phân biệt, lựa chọn nội dung hợp tác giữa hai nước.

Về phía Việt Nam, chúng tôi cho rằng biên bản Tầm nhìn không phải là một dạng văn bản có tính ràng buộc pháp lý, mà chỉ là một tuyên bố chính trị. Mặc dù vậy, biên bản này rất ý nghĩa và hết sức quan trọng với Việt Nam: khẳng định sự độc lập tự chủ trong hợp tác quốc tế, cụ thể là hợp tác quốc phòng. Không để mối quan hệ này ảnh hưởng đến mối quan hệ khác.

Thứ hai, Việt Nam chủ động trong hợp tác quốc phòng, chủ động đưa ra những gì Việt Nam muốn để bàn bạc với Mỹ. Những hợp tác này tuân thủ hợp tác quốc tế, đảm bảo quan hệ đó không đi lệch khỏi lợi ích hai nước, không đi lệch ra khỏi luật pháp quốc tế.

Thứ ba, tính công khai minh bạch trong quan hệ quốc phòng. Việt Nam công khai mối quan hệ này với tất các quốc gia khác, sẵn sàng cùng các quốc gia khác hợp tác trong các cấu trúc song phương tương tự hoặc trong cấu trúc đa phương.

* Thưa Thứ trưởng, đâu là động lực khiến quân đội hai nước Việt Nam – Mỹ xích lại gần nhau hơn?

Động lực đầu tiên là xu thế hợp tác chung của thế giới. Việt Nam không chỉ hợp tác với Mỹ, và Mỹ không chỉ hợp tác với Việt Nam. Việt Nam có nhu cầu hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở lợi ích của Việt Nam với những nội dung Việt Nam cảm thấy cần thiết. Trong một bối cảnh như vậy, không có lí do gì để Việt Nam không có quan hệ hợp tác với Mỹ.

Thứ hai là chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế để tăng cường sự tin cậy, để xây dựng đối tác tin cậy, để thế giới thấy Việt Nam là bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong sự tăng cường hợp tác đó có hợp tác quốc phòng.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, hai nước Việt Nam – Mỹ có những tiến bộ trong hợp tác toàn diện, mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, trong đó có quốc phòng.

Một điểm khác là Việt Nam và Mỹ có một lịch sử rất phức tạp và Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ dần dần xóa đi mặc cảm chiến tranh trên tinh thần không quên lịch sử. Vì vậy, trong bức tranh tổng thể quan hệ hai nước, hợp tác quốc phòng rất cần thiết để đôi bên có cái nhìn tốt hơn vào tương lai.

Về phía Mỹ, động lực cho hợp tác quốc phòng là lợi ích của Mỹ. Ông Ashton Carter cũng thẳng thắn khẳng định Mỹ đến khu vực này là vì lợi ích của Mỹ: lợi ích chiến lược khu vực, lợi ích hưởng tiềm lực của một khu vực đầy tiềm năng, trong đó không thể không có quốc phòng.

Trong khi đó, với chiến lược xoay trục, Mỹ có những đồng minh của mình, nhưng ngoài đồng minh, ông Carter cho biết nước Mỹ cần thêm những người bạn, đối tác và Mỹ coi ASEAN hay Ấn Độ cùng một số nước khác, trong đó có Việt Nam, là những đối tác quan trọng hàng đầu.

* Chuyến thăm của ông Carter diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông khá phức tạp, khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông còn Mỹ điều máy bay tàu chiến đến khu vực. Do vậy có nhiều quan điểm quốc tế cho rằng chuyến thăm của ông Carter tới Việt Nam là nhằm mở rộng lực lượng. Thứ trưởng đánh giá thế nào về ý kiến này?

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được lên kế hoạch từ trước. Điều này có nghĩa là có hay không có vấn đề Biển Đông, vẫn có chuyến thăm này. Chuyến thăm của ông Carter bàn về quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ. Mục đích, kết quả chuyến thăm lẽ dĩ nhiên cũng nằm ở quan hệ song phương. Dù nội dung trao đổi không nằm ngoài bối cảnh chung của khu vực, nhưng đó không phải là mục đích ông Carter sang Việt Nam và Việt Nam cũng không đón ông Carter sang Việt Nam để bàn về vấn đề này.

Vấn đề an ninh Biển Đông là một vấn đề mang tính chất toàn cục, lâu dài, phải giải quyết một cách hết sức đồng bộ. Nếu chỉ nói Shangri-La hay chuyến thăm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là hoàn toàn không đủ. Vấn đề này phải có giải pháp tổng thể, trước hết là của cộng đồng quốc tế và khu vực, và thứ hai là những nước trực tiếp liên quan. Cuộc đấu tranh lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế bằng biện pháp hòa bình mới có ý nghĩa với những gì đang xảy ra ở Biển Đông hiện nay.

* Thứ trưởng đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ cũng như triển vọng của quan hệ này?

Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ còn một số hạn chế, trước hết là những tư tưởng cũ ở nước Mỹ về sự khác biệt ý thức hệ, dân chủ nhân quyền... Tôi cho rằng đây là những ý kiến hết sức thiển cận, trước hết là không có lợi cho Mỹ. Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự do, đảm bảo cuộc sống cho người dân và được cả thế giới công nhận. Tôi tin rằng rồi cuối cùng, những tư tưởng thiểu số đó dần sẽ bị đẩy lùi.

Quá khứ giữa hai nước cũng là rào cản với quan hệ hợp tác này bởi không phải ai cũng đã sẵn sàng gác lại nó. Trong chuyến thăm vừa qua của ông Carter, Việt nam đã đón tiếp những đồng nghiệp Mỹ hết sức chân thành. Bản thân ông Carter cũng cho hay ông không hình dung được người dân lại dành cho mình sự thiện cảm như vậy. Theo tôi, bằng thực tế, sẽ đến lúc nước bạn hiểu ra vấn đề.

Việt Nam – Mỹ đã xác định một không gian rất rộng nhưng vẫn có mức độ cho hợp tác quốc phòng. Trước mắt cả hai nước hướng tới làm tốt những gì đã cam kết. Về lâu dài, mối quan hệ hợp tác sẽ tùy theo tình hình, mối quan hệ tổng thể Việt Nam – Mỹ. Nếu nhìn thực chất quan hệ Việt Nam – Mỹ, nhìn vào nội dung, lĩnh vực, tính minh bạch của nó, không quốc gia nào có lí do để nghi ngại bởi chúng ta xây dựng khuôn khổ của mối quan hệ không gây phương hại. Đây là chính sách của Việt Nam, xây dựng lòng tin với tất cả các nước.

* Xin cám ơn Thứ trưởng.


TTXVN/Tin Tức