12:06 02/12/2014

Hợp tác phát triển công nghiệp môi trường

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu đầu tư cho bảo vệ môi trường ở 16 ngành và lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam có thể lên tới hơn 7,6 tỷ USD. Nhu cầu này cũng đang đặt ra những thách thức cũng như cơ hội phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu đầu tư cho bảo vệ môi trường ở 16 ngành và lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam có thể lên tới hơn 7,6 tỷ USD. Nhu cầu này cũng đang đặt ra những thách thức cũng như cơ hội phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Những năm gần đây, bức tranh về doanh nghiệp môi trường cũng có những thay đổi quan trọng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần trong nước, ngoài nước, tư nhân với nhiều hình thức liên kết theo quy mô ngày càng lớn.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) trang bị hệ thống xử lý nước thải.


Trong giai đoạn 2010 - 2014, tổng giá trị ký kết ODA cho các dự án, chương trình thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt khoảng 2.914 triệu USD (trong đó vốn vay là 2.856 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 58 triệu USD). Riêng năm 2013, giá trị giải ngân của các chương trình, dự án bảo vệ môi trường đạt khoảng 259 triệu USD.

Việt Nam cũng đã có những chính sách và triển khai nhiều chương trình, dự án để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các hoạt động hợp tác về công nghệ, công nghiệp môi trường được triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức như hợp tác song phương, đa phương; nghiên cứu thị trường và phát triển các dự án chuyển giao công nghệ; hỗ trợ xây dựng và phát triển các dự án và mạng lưới hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan...

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp môi trường Việt Nam thành một ngành có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đòi hỏi phải có các giải pháp và chính sách phù hợp. Việc tìm kiếm, chuyển giao và phát triển những loại hình, giải pháp công nghệ môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam cần được quan tâm một cách thiết thực và triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Theo Tiến sĩ Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, ước tính với 755 đô thị, 1.100 bệnh viện, 1.900 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 1.450 làng nghề và hàng nghìn cơ sở sản xuất, lượng nước thải thải ra môi trường là rất lớn. Nhưng hiện chỉ có khoảng 10% nước thải đô thị của Việt Nam được xử lý; khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp có trạm xử lý nước thải nhưng hầu hết là vận hành không đúng quy trình kỹ thuật hoặc không vận hành thường xuyên. Rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, chất thải nguy hại và khí thải công nghiệp cũng trong tình trạng tương tự khi tỷ lệ được xử lý đạt tiêu chuẩn còn ở mức rất thấp.

“Vì vậy, song song với những nỗ lực trong nước nhằm phát triển sản xuất, chế tạo công nghệ xử lý môi trường, cần thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, tiếp nhận và làm chủ các công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường có nguồn gốc nước ngoài”, Tiến sĩ Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Minh Cường - Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ bài học thực tế cho thấy, việc lựa chọn các công nghệ môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam để triển khai và nhân rộng không đơn giản. Một số loại công nghệ hiện đại đòi hỏi chế độ bảo trì, bảo dưỡng, vận hành phức tạp, một số chi tiết không phù hợp với điều kiện thời tiết Việt Nam. Đó là chưa tính đến việc nhiều công nghệ lạc hậu, là phế thải của các nước đã được chuyển đến Việt Nam do trình độ thẩm định, đánh giá công nghệ chưa tốt. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về môi trường trong bối cảnh Việt Nam không còn trong nhóm các nước nghèo cũng đặt ra những yêu cầu bình đẳng hơn, không còn dễ dãi như giai đoạn trước, đòi hỏi Việt Nam cần có những đối ứng nhất định về nguồn lực, chính sách...

Để triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ môi trường, ông Cường cho rằng, cần tăng cường đa dạng hóa đầu tư cho ngành công nghiệp môi trường và chuyển giao công nghệ môi trường. Nguồn vốn đầu tư này được huy động từ ngân sách Nhà nước, từ các doanh nghiệp, từ nguồn viện trợ ODA và các tổ chức trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố và đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực môi trường giữa Việt Nam và các đối tác quốc gia, các tổ chức quốc tế khác; hỗ trợ các hoạt động trao đổi chuyên gia, tăng cường năng lực cho các bên đối tác...

Theo ông Huỳnh Trung Hải (Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Trường Đại học Bách khoa), cần có chính sách để phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường chính quy có quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước xúc tiến, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực mô trường ở Việt Nam.

Thạch Huê