10:20 31/10/2017

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Tập đoàn FPT, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học công nghệ Sydney (UTS) đã ký thỏa thuận hợp tác trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.

Đại diện Tập đoàn FPT, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học công nghệ Sydney (UTS) ký thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ chất lượng cao.

Theo đó, ba bên thống nhất sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, nhân viên, trao đổi thông tin… để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển chung. Ba bên cũng sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu và đào tạo sau đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin.


Trước mắt, các bên sẽ hợp tác với nhau trong chương trình trao đổi, cấp học bổng đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT). FPT sẽ là đơn vị trao 3 suất học bổng tiến sĩ trị giá 700 triệu đồng/suất; Trường Đại học Công nghệ– Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Công nghệ Sydney sẽ đảm nhận việc xét tuyển nghiên cứu sinh, trực tiếp đào tạo và cấp bằng.


Với hợp tác này, các nghiên cứu sinh sẽ được làm việc với đội ngũ cán bộ hướng dẫn là các chuyên gia của Đại học Công nghệ Sydney, Trường Đại học Công nghệ và FPT. TS Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết: “Là doanh nghiệp tiên phong trong cuộc cách mạng số, FPT cung cấp cho các nghiên cứu sinh những bài toán thực tiễn, có tính ứng dụng cao. Thông qua việc hợp tác với các trường đại học, Việt Nam sẽ có được những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ mới như AI, IoT… phục vụ cho sự phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.


Trong những năm gần đây, FPT luôn chú trọng đến việc phát triển cộng đồng. Bên cạnh kết hợp với các trường trong các chương trình đào tạo, trao học bổng tiến sĩ, FPT còn tổ chức các cuộc thi dành cho sinh viên như cuộc thi S.M.A.C Challenge - Viết ứng dụng cho robot, Cuộc đua số -Lập trình xe tự hành… nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn doanh nghiệp cho sinh viên.


PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Hiệu phó Trường ĐH Công nghệ - ĐH QG Hà Nội đánh giá:"Đây là mô hình hợp tác được phát huy trên thế giới từ lâu nhưng lại là mô hình hợp tác rất mới tại Việt Nam. Trong đó, trường Đại học và doanh nghiệp bắt tay cùng nhau để giải quyết các vấn đề công nghệ thực tiễn, kết hợp với đào tạo sau đại học trình độ cao. Sự hợp tác này vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, giữa hai trường đại học công nghệ của hai nước với một tập đoàn công nghệ thông tin. Nghiên cứu sinh tham gia chương trình được trả lương, tập trung toàn thời gian, toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu để tạo ra những tri thức và sáng tạo mới, có giá trị khoa học và thực tiễn ứng dụng cao".


XC/Báo Tin Tức