06:06 15/06/2012

Họp Quốc hội: Chất vấn Bộ trưởng Công thương 4 nhóm vấn đề lớn

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 14/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải đáp các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội xoay quanh bốn nhóm vấn đề lớn

 

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 14/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải đáp các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội xoay quanh bốn nhóm vấn đề lớn gồm: Tình trạng độc quyền doanh nghiệp ngành điện, xăng dầu và cơ chế điều hành giá năng lượng; Quy hoạch và chất lượng các công trình thủy điện, nhất là tình trạng an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2; các giải pháp bình ổn thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ và ổn định sản xuất.

 

Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Vấn đề bao trùm nhất liên quan tới trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là trong ngành công nghiệp thương mại, từ đó giúp cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hộ sản xuất kinh doanh ở nước ta trụ vững và tiếp tục phát triển lành mạnh trong tiến trình tái cơ cấu lại nền kinh tế.

 

Quyết tâm thực hiện giá năng lượng theo thị trường


Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trình bày về các giải pháp để xóa bỏ tình trạng độc quyền của ngành điện, ngành xăng dầu và thời hạn giải quyết.


Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Ngành điện và xăng dầu là hai ngành liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất đảm nhiệm việc truyền tải và phân phối điện. Việc phát điện ngoài EVN còn có các đơn vị khác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà. Với nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao, bình quân tăng từ 10 - 15%/năm, ngành điện có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, nếu tình trạng như hiện nay tiếp tục kéo dài sẽ khiến thị trường điện thiếu sự cạnh tranh lành mạnh; động lực để phát triển ngành điện có những hạn chế cũng như quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.


Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành lộ trình tiến tới xóa bỏ sự độc quyền doanh nghiệp. Theo đó, từ 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được thực hiện thí điểm. Đến 2014 sẽ tiến hành và thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đến năm 2022 sẽ tiến hành bán lẻ điện cạnh tranh. Sở dĩ lộ trình này kéo dài vì thị trường điện là vấn đề mới mẻ với một nước vừa chuyển từ bao cấp sang thị trường như Việt Nam. Bên cạnh đó, điện là mặt hàng đặc biệt liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội nên bước đi phải thận trọng.


Tương tự như vậy, trước đây, kinh doanh xăng dầu chỉ có Petrolimex, xăng dầu quân đội, dầu khí... Thực hiện lộ trình giá xăng dầu theo thị trường, đến nay, cả nước đã có 12 đầu mối kinh doanh xăng dầu gồm cả doanh nghiệp Nhà nước, ngoài nhà nước... cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, Petrolimex vẫn chiếm khoảng 60% thị phần xăng dầu để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng đất nước và bình ổn giá thị trường khi cần thiết.


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Việc điều hành xăng dầu là trách nhiệm chung của Chính phủ mà đầu mối là liên Bộ Công Thương và Tài chính. Với tinh thần Nghị định 84, có 12 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và có doanh nghiệp không lệ thuộc vào bộ chủ quan nên không có cơ sở nói là có lợi ích nhóm.


Làm rõ thêm vấn đề chống độc quyền trong ngành điện và phát triển thị trường điện cạnh tranh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt với sự tham gia của nhiều Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ... Đây cũng là vấn đề đã được nêu trong Luật Điện lực 2005 và Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào đó đã phê duyệt lộ trình phát triển thị trường điện với các bước cụ thể. Do tính chất phức tạp của việc hình thành thị trường điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải loại bỏ độc quyền trong sản xuất và kinh doanh điện nhưng phải thực hiện qua các bước hết sức thận trọng, bởi xóa bỏ độc quyển ngành điện thì vẫn phải đảm bảo yêu cầu cơ bản là đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của nền kinh tế. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cụ thể từng bước thực hiện thị trường điện, trước hết là phải thực hiện các bước thử nghiệm, sau thử nghiệm phải có đánh giá; thử nghiệm tốt rồi mới được chuyển sang thực hiện các bước tiếp theo.


Vì vậy, dự thảo Luật Điện lực mà Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng có đề cập tới vấn đề này, Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ không quyết định giá bán lẻ điện nữa mà chỉ quyết định khung bán lẻ, nguyên tắc tính giá bán lẻ để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh. Phó Thủ tướng khẳng định: Nếu không thực hiện giá điện theo thị trường, sẽ không có doanh nghiệp nào mặn mà đầu tư vào lĩnh vực điện.


Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chia các nhà máy điện của EVN thành 3 nhóm công ty phát điện tạo mô hình cạnh tranh trong khâu phát điện, đến khi thị trường cạnh tranh phát điện (sẽ thực hiện từ ngày 1/7 tới) hoạt động ổn định sẽ cho phép cổ phần hóa các công ty phát điện đó và ra cạnh tranh cùng với các nhà máy điện tư nhân. Đây là hướng đi mà Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng thời với xây dựng các cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp cho đồng bộ.

 

Đập thủy điện Sông Tranh vẫn an toàn


Các đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), Nguyễn Văn Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác chất vấn về các giải pháp khắc phục tình trạng phá rừng làm thủy điện, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nước phục vụ sinh hoạt; giải pháp với các công trình điện nằm trong quy hoạch nhưng chưa triển khai đúng tiến độ hoặc chưa triển khai... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Cho đến nay, về cơ bản, các công trình thủy điện đã phát triển đều đặn theo Quy hoạch đã duyệt với 1.097 dự án thủy điện được triển khai với tổng công suất 24.000 MW. Đến nay, 195 công trình với tổng công suất 12.000 MW đã được đưa vào vận hành, bổ sung 36% công suất cho hệ thống; đang triển khai 245 dự án với tổng công suất khoảng 7.000 MW. Tuy nhiên, tỷ lệ các công trình điện được triển khai chỉ mới chiếm 75% về công suất. Để phát huy những mặt tích cực và giải quyết những bất cập này, thời gian qua, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy điện, nhất là các công trình thủy điện miền Trung Tây Nguyên - nơi tập trung đông các công trình thủy điện nhỏ. Qua kiểm tra đã loại bỏ được 52 công trình không đáp ứng yêu cầu và tiến độ.


Bộ trưởng cũng cho biết: Để khắc phục các tồn tại trong phát triển thủy điện, giải pháp đầu tiên là rà soát quy hoạch. Giải pháp thứ hai là yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng và vận hành các dự án của mình phải tuân thủ nghiêm túc các quy định xung quanh vấn đề về phát điện, phòng lũ, cấp nước, thực hiện theo quy trình điều tiết hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thứ ba, đối với vấn đề môi trường, theo quy định khi lấy 1 ha rừng để phục vụ cho công trình thủy điện sẽ phải trồng trả lại 1 ha rừng. Vì thế, một trong những biện pháp thời gian tới đây cần phải thực hiện một cách căn cơ là các địa phương cùng với các chủ đầu tư và Bộ Công Thương phối hợp để xác định diện tích này. Nếu không được, cần xem lại tính khả thi của dự án, điều này rất khó nhưng phải làm.


Liên quan đến công trình thủy điện Sông Tranh 2 đang bị rò rỉ nước tại đập thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết:


Thủy điện Sông Tranh 2 sử dụng phương pháp bê tông đầm lăn dựa vào quy chuẩn của Nga và Hoa Kỳ. Trong quá trình thiết kế, thi công, chủ đầu tư đã thuê tư vấn nước ngoài, trong đó có tư vấn của Nhật Bản. Trước hiện tượng rò rỉ nước tại đập, Chính phủ đã chỉ đạo và EVN đã khẩn trương tìm các giải pháp khắc phục. Bộ Xây dựng, Hội đồng giám định chất lượng của Nhà nước cũng đã nhiều lần vào kiểm tra. Theo đó, để khắc phục hiện tượng rò rỉ nước, giải pháp sẽ là dán các khe nhiệt để trong quá trình bê tông co ngót đảm bảo không ảnh hưởng đến đập.


Làm rõ hơn về tình trạng an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Sau khi xử lý, đập thủy điện Sông Tranh đã an toàn bởi thiết kế an toàn và được tư vấn Nhật Bản Nippon khẳng định. Bên cạnh đó, nền của đập Sông Tranh là nền đá granit. Yếu tố thi công cũng an toàn do đập đã tích nước tức là đã chiết tải đủ theo thiết kế là ở cốt 175 vào thời kỳ tháng 11 năm 2011 và sau 4 tháng tích nước có hiện tượng rò rỉ, đây không thể gọi là sự cố, bởi sự cố phải đổ vỡ công trình mà theo đúng qui định của Luật Xây dựng, đây gọi là hiện tượng thấm nước.


Vấn đề phải khắc phục thấm nước, hiện nay Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cùng với Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt tập trung chỉ đạo chủ đầu tư và chủ đầu tư đang tập trung chống thấm, cố gắng hoàn thành trước mùa lũ. Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng yêu cầu phải có tư vấn độc lập nữa của Thụy Sĩ để kiểm tra chéo lại xem đập này an toàn như thế nào. Vì vậy, chỉ khi đập không an toàn mới thực hiện di dân.

 

Doanh nghiệp phải chủ động


Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản sang Trung Quốc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ rõ: Giải pháp căn cơ chính là tăng cường hệ thống dịch vụ kỹ thuật giao nhận kho vận (Logistic) tại những cửa khẩu gần khu vực biên giới nơi chúng ta tập kết hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi chủ động về kho chứa, bến bãi, có hệ thống phân loại sản phẩm, chúng ta sẽ chủ động hơn và có thể kéo dài thời gian lưu giữ sản phẩm, nâng cao được chất lượng. Chính phủ đang chỉ đạo, trước hết làm tại khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn, Lào Cai và Móng Cái.


Về giải quyết hàng tồn kho, giải pháp trước hết là thực hiện Nghị quyết 11, 13; trong đó chú trọng tới các giải pháp về thuế và tài chính. Bộ Công Thương đã đề xuất thêm một số giải pháp như tạm trữ gạo, muối, giúp bình ổn thị trường. Đối với sản phẩm công nghiệp, cùng với các giải pháp xúc tiến thương mại quốc tế góp phần giúp doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, Bộ cũng sẽ phối hợp đồng bộ với Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm giải phóng hàng tồn kho còn là trách nhiệm của doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ của nhân dân, Chính phủ.


Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương và các bộ liên quan tiếp tục quan tâm thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là giải phóng hàng tồn kho, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, tránh đổ vỡ và phải làm sao phục hồi lại được sức sản xuất của doanh nghiệp và của nền kinh tế, để tiêu thụ sản phẩm và từ đó giải quyết nợ nần, tránh gây biến động và lây sang các ngân hàng thương mại. Cùng với ngân hàng thương mại tiến hành tái cơ cấu nợ, ngân hàng và doanh nghiệp cần họp lực để giải quyết tốt khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn này. Về vấn đề chống độc quyền, thực hiện thị trường cạnh tranh nhất là sản phẩm điện, sản phẩm xăng, Bộ Công Thương cần chủ trì, tiếp tục nghiên cứu lấy thêm ý kiến của chuyên gia, các nhà nghiên cứu và của chính các cơ quan quản lý của Bộ, đồng thời nghiên cứu xem có thể đẩy nhanh hơn quá trình thị trường đối với ngành điện.


Các Bộ cũng cần rà lại quy hoạch điện nói chung và thủy điện nói riêng, kiên quyết loại bỏ và dừng các dự án thấy không đạt tiêu chí xã hội, môi trường, chất lượng, hiệu quả. Về vấn đề di dân, tái định cư đối với các dự án thủy điện, Quốc hội sẽ khuyến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thảo luận thêm và có biện pháp cần thiết để giải quyết sớm tình hình dân cư sống tại các vùng thủy điện và đồng bào từ các hồ thủy điện di dân, tái định cư như: Sử dụng nguồn lợi từ chính thủy điện này để giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống của đồng bào, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Tội phạm được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp


Chiều 14/6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, thời gian qua, công tác đấu tranh, kiềm chế các loại tội phạm đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2011, toàn quốc đã xảy ra hơn 49.000 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tăng 1,14% so với năm 2010. 6 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 21.986 vụ, giảm 2,57% so với cùng kỳ năm 2011.


Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp... đều gia tăng. Một loại tội phạm mới nảy sinh trong những năm gần đây là tội phạm sử dụng công nghệ cao, trộm cắp tiền ở ATM, thẻ tín dụng giả, cá độ, đánh bạc qua Internet.


Nhận định về thực trạng này, Bộ trưởng cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra các loại tội phạm trên, nhưng chủ yếu là do tác động của tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, tình trạng lao động mất việc làm; sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhất là trong thanh niên và thiếu niên; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập; phong trào toàn dân đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ở cơ sở chưa thiết thực, hiệu quả.


Với tinh thần cầu thị cao, tiếp thu mọi ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan đến lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã lần lượt trả lời các câu hỏi chất vấn của từng đại biểu xung quanh các vấn đề: Sự gia tăng của tội phạm vị thành niên; tội phạm là người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; sai phạm trong một bộ phận cán bộ chiến sỹ CSGT…



Cần sự vào cuộc đồng bộ ngăn chặn tội phạm trong thanh, thiếu niên


Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về trách nhiệm của Bộ trong việc thời gian qua, có tình trạng một số thương nhân nước ngoài dùng hộ chiếu du lịch hoạt động phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, đúng là có tình trạng người nước ngoài lợi dụng danh nghĩa du lịch sang Việt Nam tổ chức thu mua hàng hóa, xuất ra nước ngoài. Một số đối tượng đã lợi dụng lòng tin của bà con, mua bán ghi nợ sau đó bỏ trốn. Về vấn đề này, Bộ cũng đã nắm được và đã thực hiện nhiều biện pháp, tổ chức đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa.


Liên quan đến câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Khá và Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) về thực trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, hay mang theo hung khí, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ bằng cách thành lập các lực lượng hỗn hợp, tăng cường phát hiện, thu giữ những trường hợp thanh thiếu niên mang theo hung khí, sẵn sàng gây án. Để phòng, ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nói chung, trẻ vị thành niên nói riêng, Bộ Công an kiến nghị cần đồng bộ các biện pháp tăng cường giáo dục, quản lý của nhà trường, gia đình và xã hội. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc nắm tình hình để phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, để làm giảm loại tội phạm này, các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn.


Sẽ làm rõ lý do bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn


Một số đại biểu đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ lý do bị can Dương Chí Dũng trốn thoát sau khi có lệnh bắt tạm giam và trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra sự việc này.


Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề này, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng giải trình về trách nhiệm của mình trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải.


Giải trình về sự việc này, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, trước khi bỏ trốn, ông Dương Chí Dũng đã bị cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện một số hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình công tác tại Vinalines. Ông Dũng cũng đã thừa nhận qua những lần làm việc với cơ quan điều tra. Trên cơ sở những kết quả xác minh, cơ quan điều tra đã báo cáo cấp có thẩm quyền để tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Dũng và đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn. Cơ quan điều tra đã triển khai bắt giữ các đối tượng liên quan và bắt được 2 bị can. Riêng ông Dũng không có mặt ở cơ quan và ở nhà. Cơ quan công an đã động viên gia đình đưa ông Dũng ra đầu thú và đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với ông Dũng. Về vụ việc này, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn. Trong trường hợp để lộ thông tin thì phải kiểm điểm nghiêm túc.

 

Bộ GTVT sẽ rút kinh nghiệm trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng


Cũng trong chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời câu hỏi chất vấn về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải.


Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, việc bổ nhiệm này đã được thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo tính dân chủ, tập thể và có sự thống nhất tuyệt đối của Ban cán sự Bộ Giao thông Vận tải và cũng không trái quy định của Luật Thanh tra. Việc thanh tra Vinalines vừa qua thuộc về kế hoạch thanh tra bình thường của Thanh tra Chính phủ chứ không phải thanh tra đột xuất, hoặc theo vụ việc, Bộ trưởng giải thích thêm.


Nhìn nhận, trên thực tế ông Dũng đã bị khởi tố từ năm 2007, vì vậy, trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dũng thuộc về tập thể lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn: “Với tư cách Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, tôi nhận trách nhiệm trong sự việc này do chưa thực sâu sát trong việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm và trong công tác giám sát, kiểm tra cán bộ”.



Xem xét trách nhiệm thủ trưởng đơn vị để cảnh sát giao thông nhận mãi lộ


Trả lời chất vấn của ĐB Đỗ Mạnh Hùng và một số đại biểu khác đề cập đến những sai phạm của một bộ phận Cảnh sát giao thông (CSGT) nhận tiền mãi lộ để bỏ qua vi phạm, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, Bộ Công an đặc biệt coi trọng việc ngăn chặn sai phạm trong lực lượng CSGT. Tuy nhiên, đây cũng là lực lượng chịu rất nhiều áp lực, khó khăn do thời tiết, điều kiện làm việc như: Nắng, gió, bụi, tiếng ồn. Mặc dù vậy, phần lớn CSGT đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, hàng trăm gương cán bộ chiến sỹ CSGT không nhận tiền mãi lộ.


Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng nhìn nhận, bên cạnh những gương người tốt, điển hình, vẫn còn những vụ việc sai phạm của một số cán bộ chiến sỹ. Đối với các trường hợp này, quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm; đồng thời xem xét trách nhiệm quản lý của chỉ huy các cấp kể cả cấp phòng, Phó Giám đốc, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố.


Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 14/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Các câu hỏi đặt ra rất thẳng thắn, toàn diện. Bộ trưởng Trần Đại Quang đã trả lời chất vấn rất cầu thị và có các giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề. Bộ trưởng đã cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, giải pháp đấu tranh với các loại tội phạm một cách tích cực hơn; đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành, các cấp liên quan nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đã tích cực tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH trong việc xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà trực tiếp là trên mặt trận an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.


TTN