07:22 11/07/2016

Hợp nhất Nghị định, ngành văn hóa mong “làn gió mới”

Văn bản mới của ngành văn hóa cơ bản đã chỉnh sửa được những vấn đề còn chưa “kín kẽ” của hai nghị định cho phù hợp với tình hình thực tế của đời sống biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu… hiện nay.

Văn bản số 2290/ VBHN-BVHTTDL “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành, trên cơ sở hợp nhất “Nghị định số 79/2012/ NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” và Nghị định số 15/2016/ NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/ NĐ-CP.

Theo đánh giá của ngành văn hóa, văn bản mới này cơ bản đã chỉnh sửa được những vấn đề còn chưa “kín kẽ” của hai nghị định nói trên, cho phù hợp với tình hình thực tế của đời sống biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu… hiện nay.

Cấm những vi phạm thuần phong mỹ tục

Theo tinh thần của Văn bản 2290 này, những quy định cấm đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; gồm: Thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn; quảng cáo mạo danh nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật, quảng cáo người biểu diễn không đúng nội dung đã được cấp phép; sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Các cuộc thi người đẹp, người mẫu là một nội dung rất được Văn bản số 2290 quan tâm.

Đối với việc tổ chức thi người đẹp và người mẫu, văn bản vẫn “thống nhất cao” về nội dung: Không phổ biến, lưu hành hình ảnh cá nhân, chương trình, tiết mục biểu diễn và thực hiện các hành vi có nội dung, hình thức trái với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam trên mạng viễn thông; không công bố, sử dụng danh hiệu đạt được tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu do tham dự trái phép mà có. Điều này thật sự là cập nhật và cần thiết với tình hình “nhiều tồn tại” của việc thi chui của các người đẹp, người mẫu hiện nay. Dù quy định này đã được đưa ra tại Nghị định số 15/2016/ NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ; nhưng tới nay xem ra vẫn chưa có nhiều “suy suyển”, các người đẹp vẫn đua nhau đi “thi chui”, chấp nhận bị phạt, chỉ để có một danh hiệu. “Với quy định này được khẳng định chắc chắn và dứt khoát một lần nữa, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm những văn bản pháp luật để xử lý với các trường hợp thi chui. Mới đây thôi, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã phải có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phối hợp xử lý với hai trường hợp đi thi hoa hậu chui”, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết.

Vẫn “nóng” thi người đẹp, người mẫu

Văn bản 2290 dành hẳn chương IIII cho những quy định về “Thi người đẹp và người mẫu”. Theo đó, cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc được gọi tên là thi Hoa hậu, còn đối với các cuộc thi người đẹp khác, căn cứ vào mục đích, ý nghĩa và tiêu chí để đặt tên cho phù hợp. Mỗi năm, với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc chỉ tổ chức không quá 2 lần; đối với cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể Trung ương không quá 3 lần; đối với cuộc thi người đẹp cấp tỉnh không quá 1 lần. Còn với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VHTTDL sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể từng năm để xem xét, quyết định. Rõ ràng, đây là một quy định vẫn có tính “mở”, bởi như năm 2016 này, Bộ bên cạnh việc cấp phép cho 2 cuộc thi quốc gia gồm Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Biển, còn cấp phép cho một cuộc thi Hoa hậu có… yếu tố quốc tế là cuộc thi “Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu”. Vẫn biết, văn bản ra đời phải có tính dự báo cho một tương lai xa hơn là năm nay, năm tới; tuy nhiên chính vì yếu tố “mở” này mà dư luận cũng có nhiều ý kiến về việc 3 cuộc thi Hoa hậu được tổ chức trong một năm, trong khi việc tổ chức thi Hoa hậu thì vẫn còn nhiều lùm xùm “hậu cuộc thi”.

Trong văn bản này cũng có quy định rõ về điều kiện, thủ tục cấp phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế; trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2016/ NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ. Theo đó, thí sinh dự thi phải đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước; được một tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; làm đại diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế và đưa đi dự thi. Văn bản cũng quy định rõ, thời gian cấp phép là 5 ngày sau khi nhận hồ sơ và nếu không cấp phép, cơ quan chức năng cũng phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. “Quy định đã có như vậy, nhưng thời gian qua, các người đẹp vẫn đi thi chui, đơn giản vì rất nhiều trong số đó nếu có xin phép cũng không được cấp phép vì không đảm bảo các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với văn bản mới này, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ tạo được một hành lang pháp lý mới cho lĩnh vực thi người đẹp, người mẫu; giúp các cơ quan chức năng có thể có căn cứ để xử lý với những sai phạm”, đại diện Bộ VHTTDL cho biết.
PV