01:17 15/01/2025

Hộp đen máy bay của Jeju Air bị tai nạn phơi bày lỗ hổng kéo dài hàng thập kỷ

Cuộc điều tra vụ tai nạn máy bay hãng hàng không Jeju Air thảm khốc hôm 29/12 ở Hàn Quốc đã làm nổi bật một thiếu sót được xác định lần đầu tiên cách đây hơn hai thập kỷ.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN

Thiếu sót đó là máy bay cũ thiếu công nghệ để duy trì hoạt động của hộp đen ghi âm buồng lái khi nguồn điện chính bị hỏng.

Theo Bộ Giao thông Hàn Quốc, cả hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và hộp đen ghi âm buồng lái trên chiếc Boeing 737-800 do Jeju Air vận hành đều ngừng hoạt động bốn phút trước khi máy bay đâm vào kết cấu bê tông ở cuối đường băng tại Sân bay Quốc tế Muan vào ngày 29/12.

Các nhà chức trách nghi ngờ rằng cả hai động cơ đã tắt ngay trước khi phi công cố gắng hạ cánh khẩn cấp, khiến máy bay gần như mất toàn bộ nguồn điện trong những giây phút cuối cùng trước khi va chạm.

Phát hiện này là một trở ngại lớn đối với nhóm điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Nó cũng nêu bật lên một thiếu sót đáng kể của máy bay cũ. Hộp đen ghi âm buồng lái trên tất cả máy bay mới phải có nguồn điện dự phòng, có thể giữ cho chúng hoạt động trong khoảng 10 phút sau khi nguồn điện chính bị hỏng, một hệ thống mà nhiều máy bay cũ thiếu và không bắt buộc phải được trang bị thêm.

Việc không có bản ghi âm những khoảnh khắc cuối cùng khiến cuộc điều tra thiếu đi những manh mối quan trọng, rất có thể đã làm sáng tỏ nguyên nhân của thảm họa. Cảnh quay trên mặt đất về máy bay phản lực trước khi hạ cánh cho thấy một động cơ có thể đã bốc cháy sau khi va chạm với chim, nhưng tình trạng của động cơ thứ hai vẫn chưa được biết.

Phi công đã không hạ càng đáp khi hạ cánh, cũng như không mở cánh tà và cánh liệng, những bộ phận giúp giảm tốc độ máy bay. Cả hai hệ thống này đều nhận được điện miễn là một động cơ đang hoạt động. Thay vào đó, máy bay lao thẳng vào bức tường bê tông với tốc độ cao, khiến gần như tất cả mọi người trên máy bay thiệt mạng.

Máy bay hiện đại có hai thiết bị ghi âm: Hộp đen ghi âm buồng lái (CVR) và hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) liên quan đến hệ thống máy bay và dữ liệu đầu vào.

Hội đồng An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) lần đầu tiên khuyến nghị rằng CVR nên được trang bị nguồn điện độc lập vào cuối những năm 1990.

Hội đồng cũng khuyến nghị trang bị thêm khả năng mới này cho máy bay cũ, nhưng Cục hàng không Liên bang (FAA) cho rằng chi phí cho các nhà khai thác sẽ quá cao.

Chú thích ảnh
Hộp đen máy bay bị tại nạn. Ảnh: Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc.

NTSB sau đó đã chấp nhận phương pháp của FAA. Mỹ đã công bố quy định cuối cùng yêu cầu máy bay mới phải được trang bị nguồn điện dự phòng cho CVR vào năm 2008, với các nhà sản xuất phải tuân thủ vào tháng 4/2010, mặc dù một số đã yêu cầu gia hạn.

Dữ liệu chuyến bay và hộp đen ghi âm buồng lái "rất quan trọng để tìm hiểu về tình trạng của máy bay trước khi gặp nạn và quá trình ra quyết định của phi hành đoàn", ông Hassan Shahidi, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Flight Safety Foundation cho biết. "Nếu hóa ra lý do khiến các thiết bị ghi âm không hoạt động là do mất điện, thì rõ ràng đây là nguyên nhân để đánh giá lại quyết định năm 2008".

Chiếc Boeing 737 liên quan đến vụ tai nạn chết người lần đầu tiên được giao cho hãng hàng không giá rẻ Ryanair Holdings của Ireland vào năm 2009. Đó là ngay trước khi các yêu cầu về hộp đen ghi âm mới có hiệu lực.

Việc hộp đen bị thiếu dữ liệu trong một tai nạn hàng không là rất hiếm, ông Joo Jong-wan, một quan chức cấp cao của Bộ Giao thông Hàn Quốc, cho biết tại phiên điều trần do các nhà lập pháp tổ chức tại Seoul hôm 13/1.

Phi công của máy bay Jeju Air cũng có thể đã không bật bộ phận cung cấp điện phụ trợ của máy bay, thứ lẽ ra đã giúp CVR và FDR tiếp tục hoạt động, Yoo Kyeong-soo, công tác tại Bộ Giao thông Hàn Quốc, nói với các nhà lập pháp tại phiên điều trần.

Hơn một nửa trong số 101 máy bay Boeing 737-800 hiện đang bay ở Hàn Quốc không có hệ thống điện dự phòng độc lập giúp duy trì việc ghi âm buồng lái liên tục trong trường hợp mất điện.

Trên toàn cầu, hơn 1.800 máy bay chở khách Boeing 737 được chế tạo trước năm 2010, năm mà quy định của FAA có hiệu lực, vẫn đang hoạt động, dựa trên dữ liệu từ Cirium. Con số đó chiếm gần 25% đội bay đang hoạt động của dòng máy bay thân hẹp này.

Ông Jeff Guzzetti, cựu giám đốc điều tra tai nạn của FAA, người cũng từng làm việc trong các cuộc điều tra cho NTSB, cho biết thảm họa ở Hàn Quốc có thể khiến các quan chức Mỹ xem xét lại yêu cầu trang bị thêm nguồn điện độc lập cho CVR đối với máy bay cũ.

Mỹ không phụ trách cuộc điều tra vụ tai nạn của Jeju Air nhưng đang hỗ trợ các nhà chức trách Hàn Quốc.

Mặc dù việc thiết bị ghi âm ngừng hoạt động là rất hiếm, nhưng đã có một số trường hợp chúng ngừng hoạt động do nguồn điện chính của máy bay bị hỏng. Guzzetti cho biết ông đã trực tiếp xử lý một trường hợp như vậy vào năm 2002 khi động cơ của một chiếc Boeing 737 do Garuda Indonesia vận hành bốc cháy giữa một cơn giông bão dữ dội trên đảo Java.

Tương tự như những gì dường như đã xảy ra với Jeju Air, cả hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và hộp đen ghi âm buồng lái đều ngừng hoạt động sau khi động cơ mất điện. Nhưng không giống như chuyến bay của Jeju, hầu hết hành khách trên chuyến bay 421 của Garuda đều sống sót sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống sông Bengawan Solo.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo japantimes)