03:22 04/03/2015

'Hộp đen' chưa giám sát được vận tải

Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn lái xe, chủ xe đã cố tình tắt, vô hiệu hóa thiết bị, nhằm né tránh sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng.

Từ tháng 3/2014, hơn 80.000 xe ô tô chở khách chạy tuyến cố định, xe chở khách theo hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe chở container đã được gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) để cơ quan chức năng quản lý vận tải. Nhưng đến nay, số lượng xe vi phạm bị xử lý thông qua dữ liệu hộp đen thấp hơn thực tế nhiều.

Hộp đen để làm cảnh

Trung tâm Xử lý, khai thác, sử dụng thiết bị hộp đen (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - TCĐBVN - Bộ GTVT) vừa có thống kê gửi tới Sở GTVT các địa phương dữ liệu vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe (quá 4 giờ lái xe liên tục, quá 10 giờ lái xe trong ngày), hành trình xe chạy... của các xe vận tải tại từng địa phương từ tháng 3/2014 - tháng 1/2015. Đáng lưu ý là chỉ có khoảng 70% tổng số xe lắp hộp đen trên truyền dữ liệu về Trung tâm hàng ngày và dữ liệu vi phạm tốc độ của các phương tiện gửi về ngày càng giảm, trong khi thực tế, vi phạm tốc độ là lỗi chủ yếu hiện nay.

Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN Nguyễn Văn Quyền cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn lái xe, chủ xe đã cố tình tắt, vô hiệu hóa thiết bị, nhằm né tránh sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng. Thực tế này được ghi nhận rõ qua một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng thời gian qua. Điển hình mới đây nhất là vụ TNGT khiến sáu người tử vong tại Quảng Ninh (ngày 16/12/2014) giữa hai xe container 15C-089.07 và xe khách 14N-9315, hai xe này đều đã tắt sóng hộp đen trước khi xảy ra tai nạn.

Nhiều lái xe cố tình ngắt hộp đen để tránh bị xử phạt. Ảnh: Bộ GTVT


Mặc dù đến nay, toàn bộ các Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải chấn chỉnh, xử lý vi phạm qua hộp đen, nhưng đến hết tháng 1/2015, mới chỉ có 46 địa phương xử lý vi phạm, với tổng số phương tiện bị xử lý hơn 1.300 xe. Trong đó, thu hồi phù hiệu một tháng gần 900 xe, thu hồi chấp thuận khai thác tuyến một tháng hơn 350 xe, đồng thời từ chối cấp phù hiệu 90 xe. 10 địa phương có kết quả xử lý vi phạm qua hộp đen cao nhất là: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hưng Yên. Hiện vẫn còn 17 Sở GTVT chưa thực hiện việc xử lý vi phạm theo quy định.

Tổng cục trưởng TCĐBVN Nguyễn Văn Huyện thừa nhận: Sau khi có dữ liệu, có chế tài, vẫn chưa thấy tỉnh nào dám thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp vận tải, mặc dù sai phạm rất nhiều. Thậm chí, một số địa phương, lãnh đạo tỉnh cũng can thiệp để doanh nghiệp vi phạm không bị xử phạt. Một số tỉnh như: Đắk Nông, Lào Cai... còn không có biện pháp xử lý nào. “Chỉ cần thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp vận tải từ 1 - 3 tháng, chắc chắn sẽ có tác động mạnh đến ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp. Chứ chỉ thu hồi phù hiệu thì không ăn thua”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm: Hiện nay do chưa hoàn thành bản đồ số chính thức của Bộ GTVT phục vụ công tác giám sát hành trình xe ô tô, nên chưa thể phát hiện vi phạm về hành trình chạy xe qua hộp đen; đồng thời không xác định được đầy đủ các vi phạm về tốc độ, mà chỉ có thể căn cứ trên quy định về tốc độ tối đa cho phép và khó xác định phương tiện đang hoạt động hay không nếu cố tình tắt hộp đen…

Tăng cường chế tài

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Hạn chế cơ bản của hộp đen hiện nay là chưa thực hiện được quy định cảnh báo trực tiếp trên xe. Nếu doanh nghiệp tự giác thực hiện, khi vi phạm tốc độ, lái xe quá số giờ quy định… sẽ có tín hiệu “tít, tít” thông báo ngay trên xe. Thế nhưng, đa phần lái xe và chủ xe ngắt chức năng này. Lẽ ra, Trung tâm dữ liệu phải phát hiện được xe chạy quá tốc độ để cảnh báo trực tiếp, nhưng cũng chưa làm được.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, thông qua hộp đen, các địa phương đã tước phù hiệu hơn 1.300 xe, lớn hơn nhiều so với con số vài chục xe của các năm trước. Điều này góp phần làm giảm các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian tới để tăng hiệu quả giám sát của hộp đen, Bộ GTVT cần sớm hoàn thiện bản đồ số. Khi có bản đồ số, hệ thống sẽ đo vị trí, cập nhật toàn bộ biển báo và tổ chức giao thông trên toàn bộ 20.000 km quốc lộ của cả nước. Thiết bị có thể cập nhật được hành trình, thời gian đi và về từ bến, nên việc tắt thiết bị hoàn toàn có cơ sở để xử phạt.

Thực tế, khi ứng dụng công nghệ thông tin, Trung tâm Xử lý, khai thác, sử dụng hộp đen có thể phát hiện xe nào cố tình tắt hoặc phá sóng thiết bị. Sẽ có rất nhiều xe cùng đi qua một vị trí, vì thế, nếu lái xe tắt thiết bị hoặc bao biện mất sóng, thì từ cơ sở dữ liệu hoàn toàn có thể chứng minh được phương tiện nào cố tình làm điều đó. Tới đây, Thông tư thay thế Thông tư 55/2013/TT-BGTVT của Bộ GTVT sẽ có chế tài đối với trường hợp vi phạm này. Những xe vi phạm nhẹ cũng bị tước phù hiệu kinh doanh vận tải dựa trên số lần vi phạm và dựa trên số xe bị tước phù hiệu để đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp vận tải.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải kiểm soát được chất lượng hộp đen và quy định thời hạn đăng kiểm thiết bị, đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật đối với việc sử dụng thiết bị này. Đặc biệt, tới đây phải xử lý nghiêm các trường hợp tắt thiết bị, qua đó trực tiếp xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Trong tháng 3/2015, các cơ quan liên quan phải hoàn thành bản đồ số, để hoạt động từ ngày 1/6/2015” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng



Tiến Hiếu