10:06 01/10/2014

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014: Không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành

Ngày 30/9, chủ trì phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đánh giá: Tháng 9 và 9 tháng qua, mặc dù vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tín hiệu vui là nền kinh tế đã tăng trưởng...

Ngày 30/9, chủ trì phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đánh giá: Tháng 9 và 9 tháng qua, mặc dù vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tín hiệu vui là nền kinh tế đã tăng trưởng tương đối tích cực theo hướng bền vững và năm nay, nhiều chỉ tiêu kinh tế sẽ đạt kế hoạch đề ra.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng lưu ý mặc dù kinh tế tăng tưởng với tốc độ như vậy, nhưng không được thỏa mãn, chủ quan mà phải tiếp tục có những chỉ đạo điều hành quyết liệt.


Để thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rốt ráo xử lý các vấn đề phát sinh. Ngày 1/10, Thủ tướng làm việc với NHNN để nghe báo cáo lại về tình hình và xử lý nợ xấu, những vấn đề cần chỉ đạo ráo riết hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn.


Về việc phát hiện các vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới vừa thông xe, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, khi có kết luận điều tra thì mới có thể đánh giá đầy đủ, không nên vội đặt vấn đề là có sự vô trách nhiệm, hay tiêu cực trong vụ việc.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và các ngành chức năng thì chuẩn bị thông xe, trong quá trình thực hiện các công việc cuối, chúng ta đã phát hiện vết nứt này rồi, chứ không phải sau khi thông xe mấy ngày mới phát hiện vết nứt như một số báo nói. Hiện nay, nhà thầu chịu trách nhiệm chính đang ráo riết thực hiện công việc của mình. Còn cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các công đoạn cũng đang ráo riết thực hiện nhiệm vụ của mình, thẩm định lại, kiểm tra lại, tìm nguyên nhân cho rõ, khi đó công bố mới chính xác.

Kỳ họp này, Chính phủ cũng đã nghe Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo một số vấn đề về thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để tiếp tục đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Chính phủ cũng mời Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê báo cáo tình hình điều tra một số số liệu thời gian qua dư luận quan tâm. Đại diện VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, của các bộ, ngành.


Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp


Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nước ta tuy là nước sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, việc phát triển sản xuất nông nghiệp luôn được quan tâm. Thời gian qua, mỗi phiên họp của Chính phủ đều đưa ra thảo luận về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp bởi vì nông dân chúng ta hiện nay đa số, người lao động của chúng ta đa số làm nông nghiệp.

 

Hiện nay, chỉ đạo của Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, với một Đề án rất rộng nhưng các lĩnh vực cụ thể được quan tâm là: Sản xuất như thế nào, tiêu thụ ra làm sao, mặt hàng nào sản xuất để xuất khẩu, mặt hàng nào để tiêu thụ trong nước?
Để khắc phục tình trạng có thể sản xuất được mà vẫn phụ thuộc nhập khẩu thì trong tái cơ cấu nông nghiệp, một vấn đề đặt ra là chúng ta phải đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ vào đồng ruộng, vào từng hoạt động nông nghiệp cụ thể để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị; tái cơ cấu từng cây trồng, vật nuôi gắn với quy hoạch lại từng khu vực sản xuất…


Đối với băn khoăn về việc thị trường hiện có quá nhiều loại hoa quả nhập ngoại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong cơ chế thị trường, việc tương tác qua lại, trao đổi, giao lưu, mua bán hàng hóa là việc rất bình thường. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng phải có giải pháp để quản lý cho được chất lượng sản phẩm, từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông. Để cạnh tranh, ngành nông nghiệp phải có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh tốt, không những tiêu thụ được ở thị trường trong nước mà còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu.


Thu Hường