07:18 02/07/2011

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2011: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng hiệu quả

Chiều 1/7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2011, thông báo kết quả phiên họp trực tuyến tháng 6/2011 của Chính phủ với các địa phương.

Chiều 1/7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2011, thông báo kết quả phiên họp trực tuyến tháng 6/2011 của Chính phủ với các địa phương. Theo thông tin từ cuộc họp báo thì Chính phủ và các địa phương đã thống nhất khẳng định, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, 6 tháng cuối năm dự báo nền kinh tế sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả; kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15 - 16%. Nâng cao chất lượng và hướng tín dụng vào việc phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp và sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiểm soát chặt việc cho vay bất động sản, không để đổ vỡ, tiêu cực. Tăng cường kiểm soát và kéo giảm dần lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát; duy trì tỷ giá hợp lý, quản lý tốt hơn thị trường ngoại hối và thị trường vàng.

Kiểm soát tín dụng cho bất động sản; giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa) chủ trì buổi họp báo. Ảnh : Chinhphu.vn


Liên quan đến thị trường bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, Bộ Xây dựng không đề nghị với Chính phủ về việc nới lỏng chính sách tiền tệ cho thị trường bất động sản (BĐS). "Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cùng với việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường BĐS cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không quá lớn do ở nước ta, thị trường BĐS có tính chất hàng hóa quy mô còn nhỏ (lượng BĐS để kinh doanh so với lượng BĐS để ở mới chiếm khoảng 30%). Dư nợ tín dụng cho BĐS đang có xu hướng giảm, tính đến cuối tháng 5 là 220 ngàn tỷ đồng, chỉ chiếm dưới 10% so với tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế. Hiện nay, giá BĐS có suy giảm nhưng tính đến thời điểm cuối tháng 5/2011 vẫn cao hơn tháng 1/2010 và vẫn còn cao hơn giá thành tạo lập nên giá trị của BĐS. Các doanh nghiệp BĐS vẫn có khả năng thanh toán các khoản vay nợ tín dụng với ngân hàng. Vì vậy, thị trường BĐS có thể bị xì hơi do giảm giao dịch nhưng sẽ không có khả năng đổ vỡ như lo ngại".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, thị trường BĐS vẫn nằm trong khu vực phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền. Theo đó, nên kiểm soát theo hướng không cho vay vào lĩnh vực đền bù giải phóng mặt bằng và BĐS cao cấp hiện đã có dấu hiệu bão hòa, không phục vụ cho đa số người dân. Thay vào đó, nên ưu tiên tín dụng BĐS cho những dự án nhà ở có quy mô nhỏ, có giá trị trung bình hoặc thấp để đáp ứng tốt hơn cho những đối tượng có nhu cầu thực. Nên tập trung vốn cho những dự án sắp hoàn thành để biến thành hàng hóa và tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS. Ưu tiên cho vay với các đối tượng có nhu cầu ở thực để chuyển dư nợ tín dụng sang đối tượng tiêu dùng giúp cho vẫn tăng trưởng mà không bị sốt nóng.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án giảm, giãn thuế đối với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, việc miễn thuế chuyển nhượng chứng khoán và điều chỉnh mức chịu thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ được các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền… Liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, Bộ đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng cho các doanh nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thiếu sót

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng thông tin thêm về kết quả năm học 2010-2011. Theo đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95,72% là sự ghi nhận đầu tư của xã hội, lao động của thầy cô giáo và nỗ lực của các em học sinh.

Về việc lãnh đạo Hội đồng chấm thi 11 tỉnh ĐBSCL xây dựng văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi các môn tự luận, khác với văn bản Hướng dẫn chấm thi của Bộ và cho lưu hành văn bản này ở một số hội đồng chấm thi trong vùng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết không có sự chỉ đạo của Bộ và đó là việc làm sai cần xem xét xử lý, rút kinh nghiệm. Sự cố này cũng đặt ra vấn đề cần xem xét đổi mới phương án thi từ nay đến năm 2015.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thi của Bộ cũng phải rút kinh nghiệm nghiêm túc về quy chế làm việc chưa thật thông suốt khi không nắm được tình hình. “Bộ Giáo dục và Đào tạo có thiếu sót khi chưa sát sao để vấn đề xảy ra, báo chí phản ánh mới biết”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn. Về việc tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giáo dục thường xuyên tăng đột biến, bất thường, Bộ sẽ tiến hành thanh tra, xem xét cụ thể.

Thu Hường