03:15 03/03/2011

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2011: Chính phủ tích cực giải cứu và hỗ trợ người lao động ở Libi về nước

Đây là đồng khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra sau phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, ngày 2/3, tại Hà Nội.

Đây là đồng khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra sau phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, ngày 2/3, tại Hà Nội.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã tóm tắt lại nội dung và thảo luận tại Phiên họp Chính phủ. Trong đó nhấn mạnh diễn biến kinh tế, an sinh xã hội đều có sự phát triển tích cực, tăng trưởng tốt. Chính phủ đã đưa ra được các chính sách, Nghị quyết kịp thời, đúng đắn về chủ trương, giải pháp nhằm ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và các cấp thực hiện tích cực...

Tuy nhiên, phần lớn thời gian của cuộc họp báo đã được dành cho nội dung về tình hình giải cứu lao động Việt Nam tại Libi về nước và sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp đối với người lao động (NLĐ)sau khi họ trở về.

Quyết tâm kết thúc giải cứu sớm nhất

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc giải cứu đưa người lao động ở Libi về nước càng sớm, càng nhanh càng tốt đã trở thành ý chí của Chính phủ đến các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan. Với quyết tâm cao độ đó, đã có hàng loạt các hoạt động khẩn trương để giải cứu NLĐ được nhanh nhất. Đã có 5 đoàn công tác tức tốc đến Libi và các vùng lân cận thực hiện công tác này.

Tính đến cuối ngày 2/3, đã có 6.196 lao động được di tản khỏi Libi, trong số đó có 2.739 người về nước an toàn. Hiện nay còn khoảng 3.000 NLĐ phải di tản. Thông tin từ Ban quản lý lao động sứ quán tại Libi cho biết, đến ngày 2/3 đã có 1.123 người xuống tàu biển và bắt đầu đi tới nước thứ ba; trên 1.400 người tiếp tục di chuyển về biên giới Ai Cập và Libi. Khoảng 1.000 NLĐ cũng được dẫn qua đường bộ đến biên giới Tuynidi.

Bà Ngân cho biết, đêm 2/3, chuyến bay thứ hai của Vietnam Airlines sẽ bay sang Tuynidi. Sáng 3/3, chuyến bay này sẽ đến Tuynidi và đưa 350 lao động về nước. Trưa 3/3 tiếp tục có chuyến bay tiếp theo đến Tuynidi... Tất cả NLĐ sẽ được đưa về nước bằng chuyên cơ hoặc được phía chủ lao động thuê, mua vé máy bay.

"Như vậy, chỉ còn khoảng 200 lao động nhỏ, lẻ của ta còn mắc kẹt tại Libi. Số lao động này làm việc trong các xưởng hoặc cá thể nhỏ lẻ nên chưa có thông tin. Họ đang hoạt động với cơ chế tự quản, chủ động liên lạc với Đại sứ quán ta tại Libi. Và chúng tôi đã khuyến cáo NLĐ ở tại chỗ để còn biết địa chỉ mà liên lạc khi cần. Tôi có thể khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất nỗ lực, tích cực giải cứu NLĐ với mục đích cao nhất là đưa NLĐ về nước nhanh và an toàn", bà Ngân nói.

Trong nỗ lực giải cứu NLĐ rời khỏi Tuynidi, phải kể đến sự quan tâm và rất kỳ công của các cơ quan chức năng trong việc tiếp ứng nhu yếu phẩm cần thiết cho NLĐ đang phải chịu cảnh "vật vờ" ở khu vực biên giới các nước láng giềng của Libi.

Bà Ngân xúc động nói: "Vùng giữa Ai Cập và Tuynidi trời rất lạnh, anh em lại thiếu chăn, áo ấm, vô cùng khó khăn. Anh em có thể phải chịu đói rét trong 10 ngày, đó là chưa kể có thể có đạn lạc. Trước tình hình đó, cách đây 1 ngày chúng tôi đã đặt 2.000 chiếc bánh chưng và lương khô mang sang cho anh em ăn tại chỗ, vì mỳ ăn liền và gạo không có nước nấu. Rất may đến nay chưa có thông tin NLĐ nào bị thương vong!...".

Vất vả là như vậy, "nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh khi máy bay mở cửa, anh em NLĐ Việt Nam đồng loạt hô vang Việt Nam chiến thắng! Sống rồi! Hồ Chí Minh muôn năm!..., thực sự là giây phút hạnh phúc và khó tả", Bộ trưởng Ngân nghẹn ngào.

Chính phủ sẽ luôn sát cánh bên NLĐ

Chiến dịch giải cứu NLĐ như vậy cho đến nay đã hết sức hiệu quả và kế hoạch cũng rõ ràng trong những ngày tiếp theo, nhằm đưa hết NLĐ về nước trong thời gian sớm nhất đã làm an lòng về sự an nguy của NLĐ. Tuy nhiên, một mối lo lớn lại xuất hiện, đó là sau khi về nước, số NLĐ này phải đối mặt với sự thất nghiệp và các khoản nợ nần. Vậy, Chính phủ, doanh nghiệp và các ngành liên quan có sự hỗ trợ, giải quyết khó khăn này cho NLĐ như thế nào?

Trả lời những câu hỏi xoay quanh vấn đề này của các nhà báo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Trước mắt, chúng tôi đã trình Thủ tướng trích từ Quỹ hỗ trợ việc làm về nước, hỗ trợ ngay cho mỗi NLĐ 1 triệu đồng. Các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng để anh em làm lộ phí về quê. Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng, Tổng công ty Cienco 5 hỗ trợ 5 tỷ đồng. Chúng tôi đã mở tài khoản tiếp nhận các khoản hỗ trợ này, sau đó sẽ chuyển số tiền này đến NLĐ".

Theo bà Ngân, 10.482 NLĐ trở về lần này không có việc làm ngay và chắc chắn họ sẽ khó khăn. Nhưng Chính phủ sẽ luôn sát cánh bên họ. Chính phủ sẽ căn cứ vào chính sách hiện hành để tìm cách giải quyết việc làm, khó khăn cho lao động.

Một động thái thiết thực là, đối với những NLĐ mới đi thời gian ngắn, vay ngân hàng 30 - 40 triệu đồng nên chưa thể trả nợ, Bộ LĐ - TB&XH đã đề nghị các ngân hàng khoanh nợ; phân loại đối tượng để có chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, sẽ mở các thị trường mới và sẽ đưa NLĐ sang các thị trường mới này. Nếu tình hình Libi ổn định, sẽ đưa họ trở lại làm việc. Tuy nhiên, điều không thể tránh khỏi là NLĐ sẽ bị thất nghiệp một thời gian.

Về trách nhiệm của các DN xuất khẩu lao động đối với NLĐ, bà Ngân khẳng định: "Trong việc này DN không có lỗi. Đây là trường hợp bất khả kháng. Do đó, DN không phải bồi thường. Vụ việc này đã làm DN lỗ rất nhiều và họ cũng đã rất nỗ lực trong việc đưa NLĐ về nước".

Cả Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cùng khẳng định, với trách nhiệm cao nhất và căn cứ vào luật pháp hiện hành, sẽ phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ, DN và chủ sử dụng lao động ở Libi trong việc giải cứu cũng như hỗ trợ cho NLĐ.

Hồng Nga