08:11 22/08/2017

Hơn 98.000 tổ hợp tác sẽ được cấp mã số, quản lý đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Nghị định về các tổ hợp tác trên cả nước, theo đó 98.800 tổ hợp tác sẽ được cấp mã số, quản lý đăng ký kinh doanh như các doanh nghiệp.

Cá giống do Tổ hợp tác Bờ Đậu (tỉnh Thái Nguyên) sản xuất chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có hơn 98.800 tổ hợp tác, với hơn 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm cho hơn 1 triệu người. Mức doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 36.000 tổ hợp tác trên cả nước đăng ký kinh doanh và đăng ký hoạt động. Còn lại đa số tổ hợp tác chuyển đổi kinh doanh hoặc phá sản, hoặc không đăng ký hoạt động theo ngành nghề, lĩnh vực.

Trong dự báo vừa đưa ra lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: cấp đăng ký và mã số cho từng tổ hợp tác. Yêu cầu các tổ hợp tác đăng ký hoạt động, đăng ký kinh doanh theo lĩnh vực, ngành nghề để quản lý nhà nước tốt hơn, hỗ trợ chính sách của nhà nước đến với khu vực kinh tế "siêu nhỏ" này tại nhiều địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chính sách đăng ký tổ hợp tác nhằm minh bạch hóa địa vị của tổ hợp tác, cập nhật thông tin tổ hợp tác vào hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã. Đối với chính sách về phí, lệ phí đăng ký tổ hợp tác, hiện nay mức thu phí đối với đăng ký hợp tác xã chỉ phổ biến ở khoảng 30.000 đồng/hợp tác xã. Chi phí này theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không phát gánh nặng cho các tổ hợp tác trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ này cho biết, sẽ không có thêm các điều kiện kinh doanh nào được đặt ra trong quá trình đăng ký hoạt động, hỗ trợ chính sách cho các tổ hợp tác. Bộ này cũng cho rằng với số tổ hợp tác như trên, theo quy định mới thì mỗi cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chỉ phải tiến hành cấp đăng ký cho 50 tổ hợp tác.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư , đa số các chính sách hiện nay của Nhà nước chưa quan tâm đến việc hỗ trợ, hình thành và phát triển của tổ hợp tác. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trên cơ sở tự phát, hợp tác lỏng lẻo, không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng, không được hỗ trợ vay vốn, v.v... Những điều này làm hạn chế rất nhiều khả năng phát triển số lượng tổ hợp tác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, nhà nước hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhưng rất ít chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, các nhà soạn thảo chính sách “gần như quên sự tồn tại của tổ hợp tác”. Trong khi đó, mô hình tổ hợp tác rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều nguồn để có thể hoạt động và phát triển tốt.

Dự kiến, Nghị định về tổ hợp tác được ban hành sẽ giải quyết được một số vướng mắc đối với tổ hợp tác hiện nay như: Phân biệt rõ các hình thức hợp tác (hợp đồng hợp tác, câu lạc bộ, nhóm liên kết, nhóm sản xuất, tổ hợp tác) tránh sự trùng lặp, nhầm lẫn giữa các hình thức hợp tác.

Qua đó có các quy định điều chỉnh phù hợp nhất với từng loại hình hợp tác từ đơn giản đến phức tạp; tăng cường địa vị pháp lý của tổ hợp tác: cấp đăng ký và mã số cho từng tổ hợp tác, minh bạch hóa hoạt động và thành viên của tổ hợp tác khiến các đối tác yên tâm hơn, tạo tiền đề cho phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, mục tiêu còn xác định rõ ràng về phạm vi và nội dung ủy quyền của người đại diện; thành viên và nội dung hợp tác, v.v…, tránh tình trạng vượt quyền, lạm quyền, gây ảnh hưởng xấu đến tổ hợp tác; đồng thời, thống nhất và xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về tổ hợp tác, tích hợp trong hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã khiến cơ quan nhà nước nắm bắt được tình hình và thực trạng phát triển của tổ hợp tác, đưa ra các chính sách kịp thời và thích hợp nhất hỗ trợ tổ hợp tác phát triển...

Từ năm 2015 khi Quốc hội thông qua Luật Dân sự, các quy định liên quan đến tổ hợp tác đã thay đổi. Chính vì vậy, cần thiết ra đời Nghị định nhằm khắc phục những hạn chế và hỗ trợ các tổ hợp tác tốt hơn về chính sách và địa vị pháp lý.

Thúy Hiền (TTXVN)