08:08 09/08/2015

Hơn 23.500 hộ đồng bào dân tộc di cư ngoài kế hoạch chưa được xếp vào dự án quy hoạch

Chỉ riêng từ năm 2005 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư trên 506 tỷ đồng để lập và triển khai thực hiện 40 dự án nhằm ổn định cho trên 14.080 hộ đồng bào các dân tộc di cư đến ngoài kế hoạch.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn trên 23.500 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số di cư đến ngoài kế hoạch chưa bố trí đưa vào các khu quy hoạch để ổn định cuộc sống.

Cụ thể tỉnh Đắk Nông còn 10.947 hộ, Đắk Lắk còn 5.762 hộ, Lâm Đồng còn 3.725 hộ, Kon Tum còn 2.400 hộ và thấp nhất là tỉnh Gia Lai còn 689 hộ.

Bên cạnh đó còn một bộ phận dân di cư ngoài kế hoạch mới nhập cư thời gian gần đây ở phân tán, rải rác chưa thống kê được. Thậm chí, một bộ phận sống tự phát trong các khu rừng và vùng trũng thường xuyên bị ngập lụt, xa các trung tâm xã, khu dân cư nên điều kiện về giao thông, chăm sóc sức khỏe, học hành của trẻ em vô cùng khó khăn.

Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng chặt phá rừng, săn bắt trái phép diễn ra phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo có nơi lên đến 75 đến 80%...

Những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các tỉnh Tây Nguyên đã vận động đưa đồng bào vào sinh sống, sản xuất trong các vùng quy hoạch. Chỉ riêng từ năm 2005 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư trên 506 tỷ đồng để lập và triển khai thực hiện 40 dự án nhằm ổn định cho trên 14.080 hộ đồng bào các dân tộc di cư đến ngoài kế hoạch.

Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng nỗ lực trong việc lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án nhằm giải quyết đất đai, hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho hàng vạn hộ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống… Các hộ dân di cư đến ngoài kế hoạch nằm trong dự án đều được cấp đất ở (từ 400 đến 800 mét vuông/ hộ tùy theo từng dự án), cấp đất sản xuất từ 1 đến 1,2 ha/hộ.

Tuy nhiên, do nhu cầu về vốn cho công tác sắp xếp, ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch quá lớn (2.090 tỷ đồng) nên khả năng đáp ứng còn hạn chế. Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngân sách hàng năm bố trí cho các dự án đã được phê duyệt đạt thấp, vừa dàn trải vừa không kịp thời.

Điển hình như các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk là nơi tập trung dân di cư đến ngoài kế hoạch nhưng mới đáp ứng khoảng 25 đến 30% nhu cầu vốn hàng năm nên càng làm chậm và phức tạp thêm công tác ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch.

Bên cạnh đó, việc vận dụng bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch chưa có sự thống nhất, chưa phù hợp với Luật đất đai, từ đó tạo nên tâm lý so bì giữa nơi này với nơi khác…

Từ thực trạng trên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quy chế quản lý di dân để điều chỉnh hoạt động di dịch cư trong phạm vi cả nước, làm cơ sở để quản lý dân di cư đến ngoài kế hoạch ở vùng Tây Nguyên.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn từng tỉnh, lập các dự án dự phòng để có thể chủ động điều chuyển, sắp xếp, bố trí dân cư khi cần thiết, đồng thời, tăng ngân sách đầu tư cho chương trình bố trí, sắp xếp dân di cư đến ngoài kế hoạch ở Tây Nguyên.

Xem xét cho các tỉnh Tây Nguyên được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp và đất thổ cư ở những nơi dân di cư đến ngoài kế hoạch đã ổn định nơi ở và sản xuất.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có chính sách ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho những địa bàn đặc biệt khó khăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc để ổn định dân cư, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng di dịch cư của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục rà soát, phân loại, lập dự án sắp xếp, bố trí ổn định số dân di cư đến ngoài kế hoạch đang thật sự khó khăn, chưa có nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nhất là số đang sống rải rác trong các khu rừng, vùng trũng thường xuyên bị ngập lụt, xa các trung tâm xã, khu dân cư nhằm ngăn chặn triệt để việc chặt phá rừng trái pháp luật và chấm dứt tình trạng chuyển cư trong nội địa.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần tăng cường quản lý địa bàn tốt hơn nữa, nhất là công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, nắm chắc tình hình biến động dân cư, kịp thời phát hiện các hộ gia đình, cá nhân di dịch cư trên địa bàn để kịp thời có biện pháp tuyên truyền, vận động dân về nơi ở cũ.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần xử lý nghiêm các đối tượng di cư đến ngoài kế hoạch vi phạm pháp luật, không chấp hành quy định của nhà nước như chặt phá rừng, sang nhượng đất đai, không giải quyết tạm trú nếu không có giấy tờ tùy thân hợp pháp, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các hộ dân di cư đến ngoài kế hoạch không chấp hành sự sắp xếp dân cư của địa phương…

Quang Huy (TTXVN)