Theo Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến sáng 28/7, hơn 190 vị trí trên tuyến đường bộ còn ách tắc giao thông do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã bố trí người cắm thiết bị cảnh bảo ở các điểm sạt lở cho các phương tiện giao thông đi qua. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
Tại tỉnh Sơn La có một đoạn đường bị sạt trượt ta luy dương, ta luy âm, là đoạn Km95 đến Km113 Quốc lộ 4G thuộc 2 xã Huổi Một, xã Sốp Cộp, ách tắc giao thông từ 12 giờ ngày 27/7 đến nay, dự kiến ngày 30/7/2025 thông xe trở lại. Đồng thời, các đơn vị đã thi công thông tuyến đoạn Km99+300 - Km100+500 nhưng đang tắc đường từ đoạn Km100+500 - Km106.
Cùng lúc, tại tỉnh Nghệ An, 184 vị trí ghi nhận sạt trượt ta luy âm, dương; trong đó, 129 vị trí trên 2 tuyến Quốc lộ 7 và Quốc lộ 16; 55 vị trí trên 3 tuyến đường tỉnh 543, 543D, 543C. 6 cầu treo bị sập, cuốn trôi thuộc 3 xã Mường Quàng, Tương Dương, Lượng Minh...
Theo thông kê, toàn tuyến Quốc lộ 7 từ xã Con Cuông đến xã Mường Xén có 26 điểm sạt lở ta luy âm. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và đường địa phương hiện còn mưa rải rác, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục cập nhật, rà soát, thống kê.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Sơn La và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân khắc phục nhanh hậu quả lũ quét, sạt lở đất nêu trên, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai thuộc lĩnh vực quản lý, kịp thời khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng do thiên tai, nhất là các công trình bảo đảm giao thông, điện, nước, sóng viễn thông, y tế, giáo dục.