10:23 31/10/2011

Hội thảo văn học đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới

Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo văn học đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới. Gần 60 nhà văn tham dự đã trao đổi về 3 vấn đề: Đánh giá lại vùng văn học quan trọng của đất nước; những khó khăn, cản trở đối với văn học ĐBSCL thời hội nhập...

Trong hai ngày 30 – 31/10, tại Bến Tre, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo văn học đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ đổi mới. Gần 60 nhà văn tham dự hội thảo đã trao đổi về 3 vấn đề: Đánh giá lại vùng văn học quan trọng của đất nước; những khó khăn, cản trở đối với văn học ĐBSCL thời hội nhập và những giải pháp nhằm khắc phục để văn học ĐBSCL tiếp tục phát triển.

Các đại biểu nhất trí cho rằng, từ cuối thế kỷ 19 đến nay, ĐBSCL là vùng đất trù phú không chỉ đối với phát triển kinh tế, mà còn với cả văn học nghệ thuật. Thời chống Pháp có những nhà văn nổi tiếng như: Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh, Phi Vân. Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước có Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Đoàn Giỏi, Lê Văn Thảo, Anh Động và hiện nay có các nhà văn trẻ, trưởng thành sau 1975: Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau), Võ Diệu Thanh, Trương Thị Thanh Hiền (An Giang), Trầm Hương (Bến Tre)...

Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, văn học ĐBSCL gặp không ít khó khăn như sự cạnh tranh của Internet, văn hóa đọc chưa hấp dẫn nhiều người, nhất là giới trẻ; thị trường xuất bản sách văn học bị co hẹp...

Văn Trí