05:06 20/05/2021

Hội thảo kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ 

Ngày 19/5, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal (Ấn Độ) đã tổ chức hội thảo kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) theo hình thức trực tuyến.

Tham dự hội thảo có các học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhà văn hóa của hai nước, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán cùng đông đảo bạn bè quốc tế, những người yêu mến và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tại hội thảo, thông qua những vần thơ, những giai điệu lắng đọng cảm xúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh do các tác giả Ấn Độ sáng tác, các đại biểu đã bày tỏ lòng kính yêu và khâm phục sâu sắc với vị cha già dân tộc của Việt Nam, một đời tận tụy hy sinh, đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, mưu cầu hạnh phúc ấm no cho nhân dân; nêu bật tư tưởng vĩ đại của Người, soi đường dẫn lối cho cách mạng Việt Nam và định hướng cho công cuộc xây dựng-phát triển đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, cựu Giám đốc khu vực của Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) - ông Gautam De chia sẻ: “Đối với tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân cách nổi bật nhất của thế kỷ. Ông là một người cộng sản xuất chúng và lỗi lạc. Cá nhân tôi cũng như nhiều người ở Kolkata luôn dành tình cảm mến yêu sâu sắc đối với Bác Hồ, cũng giống như khẩu hiệu ‘Tomar nam, Amar nam, Vietnam, Vietnam’ (Tên bạn, tên tôi, Việt Nam, Việt Nam - khẩu hiệu trong những năm 1960 tại Tây Bengal như một cách để bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc), vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay ở Kolkata”. 

Theo nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa-xã hội Anita Sharma, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà văn hóa, nhà trí thức vĩ đại. Ông đã viết nhiều sách, báo và sáng tác thơ bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực rèn luyện, vượt qua mọi gian lao, thử thách. Về quan hệ Ấn Độ-Việt Nam, bà Anita Sharma cho rằng hai nước đã có quan hệ truyền thống gắn bó lâu đời từ khi đạo Phật và đạo Hindu được truyền bá vào Việt Nam, và mối quan hệ ấy đã tiếp tục phát triển lên những tầm cao mới nhờ nền tảng vững chắc do các lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru gây dựng.    

Các đại biểu tại hội thảo khẳng định, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tên tuổi, sự nghiệp của Người sẽ còn mãi với đất nước và nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tư tưởng quý báu, một tấm gương đạo đức và lối sống sáng ngời.

Tại hội thảo, các đại biểu không chỉ tổ chức các hoạt động tưởng nhớ ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn bày tỏ tình đoàn kết, sự sẻ chia, tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên khắp Ấn Độ, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội sâu sắc tại nước này.

Huy Lê (TTXVN)