05:09 24/05/2012

Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu

Ngày 23/5, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định cùng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học thân thế và sự nghiệp Nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu. Nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về sân khấu, tuồng, nghiên văn hóa dân tộc đã tham gia hội thảo.

Ngày 23/5, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định cùng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học thân thế và sự nghiệp Nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu. Nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về sân khấu, tuồng, nghiên văn hóa dân tộc đã tham gia hội thảo.


Các đại biểu tham gia Hội thảo đều nhất trí rằng nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu là một văn hào mà lịch sử văn học Việt Nam hầu như đã bỏ quên. Cho đến khi công trình biên khảo “Quỳnh phủ Nguyễn Diêu, ông đồ nghệ sỹ” của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (Bình Định) do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành năm 2011 ra đời, thì giới sân khấu và văn hóa nghệ thuật cả nước mới thực sự có đánh giá đúng về bậc thầy tuồng thầm lặng này của đất tuồng Bình Định - cũng chính là người thầy dạy chữ và nghiệp sư tuồng cho Hậu tổ tuồng Đào Tấn.


Quỳnh phủ Nguyễn Diêu, sinh thời được người đời hay gọi là cụ Tú Diêu hay cụ Tú Nhơn Ân, ở thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định), cụ đỗ tú tài khoa Canh Thân năm Tự Đức thứ 13 (1860); ngày giỗ của cụ đúng ngày Tết Đoan ngọ (ngày 5 tháng năm âm lịch). Sinh thời, cụ Tú Diêu dạy rất nhiều học trò, nhưng Đào Tấn là người học trò xuất sắc nhất kể cả đường học vấn lẫn môn nghệ thuật viết tuồng hát Bội. Chính văn nghiệp của cụ đã có tác dụng sâu xa tới người học trò tài ba Đào Tấn.


Trong nghệ thuật tuồng, Đào Duy Từ được xem là tiên tổ, Đào Tấn là hậu tổ. Khoảng giữa hai danh nhân văn hóa lỗi lạc này của dân tộc chính là Nguyễn Diêu.

Trong rất ít những tác phẩm nghệ thuật tuồng cổ được xem là kinh điển trong nghệ thuật tuồng cho đến ngày nay thì đã có đến 3 tác phẩm tuồng của Nguyễn Diêu là pho tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” và 2 vở tuồng “Liệu đố” (Đánh ghen) và “Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô”. Các tích truyện và nghệ thuật trong những tác phẩm này đã cho thấy ở cụ Tú Diêu một bản lĩnh sáng tạo đáng kính nể, một sở học uyên thâm và trình độ nghệ thuật vượt tầm thời đại, còn cả những giá trị nhân bản tự thân to lớn.

 

 Ly Kha