09:06 01/09/2012

Hồi sinh một dòng kênh

“Mỗi chiều tôi đều đi dạo dọc bờ kênh này hai vòng để tập thể dục và hít thở khí trời. Bây giờ, hai bờ kênh đẹp hơn công viên, chỉ có nước sông chưa trong được như xưa thôi. Chắc dăm năm nữa, con kênh này nước sẽ trong xanh...

“Mỗi chiều tôi đều đi dạo dọc bờ kênh này hai vòng để tập thể dục và hít thở khí trời. Bây giờ, hai bờ kênh đẹp hơn công viên, chỉ có nước sông chưa trong được như xưa thôi. Chắc dăm năm nữa, con kênh này nước sẽ trong xanh, rồi có khi thành biểu tượng của thành phố trong việc cải tạo môi trường sống cho người dân” - bác Trần Thanh Nghĩa (quận 3) nhận xét. Trong tâm trí bác Nghĩa - nay đã 76 tuổi và chừng ấy năm bác sống cạnh dòng kênh này, con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôm nay đã được “hồi sinh”.

 

Kí ức về một dòng kênh


Theo bác Nghĩa, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày xưa rất dài, bao gồm 2 đoạn: kênh Nhiêu Lộc - bắt đầu từ khu vực Bàu Cát xuống đến cầu Thị Nghè và rạch Thị Nghè - từ cầu Thị Nghè ra đến sông Sài Gòn. Sau này, một đoạn đầu của kênh Nhiêu Lộc bị lấp đi nên hiện nay đầu kênh được bắt đầu từ góc đường Lê Bình - Út Tịch (Tân Bình).

 

Sức sống mới trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

 

 “Lúc còn nhỏ, tôi cùng lũ bạn trong xóm hay ra kênh để câu cá và tắm mỗi lúc trời nóng. Nước kênh lúc đó trong xanh và rất nhiều cá. Có hôm tôi và lũ bạn câu được cả chục kí cá chỉ trong một buổi sáng. Dòng kênh cũng là kế sinh nhai của nhiều người dân nghèo tứ xứ về đây sinh sống với đủ nghề chài lưới, bán củi, ve chai...” - bác Nghĩa kể. Lượng người nhập cư sau đó về đây càng lúc càng nhiều, những dãy nhà lụp xụp ven kênh dần thành những xóm nhỏ. Cứ thế cái xóm lan dần và từ từ dòng kênh đã ken đặc nhà.

 

Không còn đất cất nhà, những người nhập cư đến sau đã cắm cọc trên dòng kênh để cất nhà sàn... Trải qua bao năm tháng, đến những năm 1970 - 1980, dòng kênh vừa bị bồi lấp vừa bị con người lấn chiếm đã thu hẹp dần. Khi con đường Lê Bình hình thành thì dòng kênh này mất đi dòng chảy và trở thành một con kênh chết.


Do mọi chất thải sinh hoạt của người dân sống dọc hai bờ kênh đều xả thẳng xuống kênh, nước dòng kênh bắt đầu chuyển màu đen đặc quánh và bốc mùi hôi thối không chịu nổi. Cái dòng kênh nước đen, ngồn ngộn rác thải này không lâu sau đã trở nên nổi tiếng khắp Sài Gòn, rồi lan rộng ra... cả nước.


Khi còn là cán bộ của dự án, ông Phan Châu Thuận - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường nước TP.HCM, cũng không quên tình cảnh của người dân sống cặp con kênh này. “Còn nhớ trước đây, khi đi khảo sát tuyến kênh này để lập dự án, các đoàn khảo sát không thể đi bằng xe máy mà phải tay xách, vai đeo các dụng cụ đo đạc đi xuyên qua từng hẻm hóc ngoằn ngoèo và chứng kiến rất nhiều tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, đá gà...


Các hộ dân sống dọc theo kênh đa số là trong những căn nhà ổ chuột. Có những căn hộ mà không thể nhận ra đó là nhà vì nó chỉ được che chắn tạm bợ bằng những tấm nhựa và không thể nhận ra được đâu là dòng kênh vì dòng chảy bị tắc nghẽn, có nơi chỉ cần một bước chân là có thể từ bờ này sang bờ bên kia. Tôi cũng không thể quên được những ánh mắt trẻ thơ ngây dại, những cụ già bệnh tật, những phụ nữ đang sống trong căn hộ tạm bợ trên kênh nhìn đoàn khảo sát như muốn cầu xin giúp cho họ đổi đời để được sống ở một nơi đàng hoàng hơn, sạch đẹp hơn và nhất là hít thở được không khí trong lành với môi trường sạch đẹp, nghĩa tình đầm ấm” - ông Thuận nhớ lại.

 

Công trình hai thập niên


Năm 1993, lãnh đạo TP.HCM đã có quyết định táo bạo khi đưa ra đề án cải tạo dòng kênh này. Đây thật sự là một bài toán không dễ, bởi để giải tỏa hết những hộ dân sống trên kênh thì thành phố phải giải tỏa và cần nơi tái định cư cho hơn 7.000 hộ dân đang sống trên dòng kênh này. Trong vòng 3 năm (1993 - 1996) sau đó, Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng) cùng các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình tiến hành tái định cư xong và bàn giao mặt bằng cho Sở Giao thông Công chánh (nay là Sở Giao thông Vận tải).


Từ năm 1996 - 2002, Sở Giao thông Công chánh đã tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy, cũng như xây dựng hai tuyến đường ven kênh, hệ thống thoát nước... Dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ đó đã tương đối sạch, làm tiền đề để thành phố triển khai tiếp dự án “Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Mặc dù nhiều nhà khoa học khi ấy được lấy ý kiến đã phản đối rất “căng”, bởi kinh phí cho dự án lên đến hàng trăm triệu USD, mà chủ yếu là bằng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, nhưng bằng sự kiên quyết làm thay đổi cuộc sống và cải thiện môi trường theo hướng xanh - sạch - đẹp, đến đầu năm 2003, TP.HCM cũng đã khởi công dự án.


Dự án trong đó bao gồm xây dựng tuyến cống bao dài 8,4 km (đường kính 3 m) nằm dọc theo bờ kênh, làm nhiệm vụ thu gom nước thải để đưa về trạm xử lý tại quận 2; nạo vét hơn 1,1 triệu m³ bùn dưới lòng kênh; kè bê tông toàn bộ đôi bờ kênh và mở rộng hai tuyến đường ven kênh lên 12 m; lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng và xây dựng các tiểu cảnh, công viên cảnh quang dọc hai bên bờ...


Ông Trần Thanh Lực hiện đang sống tại chung cư tái định cư Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Tân Phú), cho biết ông là một trong những người đầu tiên bị di dời để thực hiện dự án. “Mặc dù lúc đó chỉ có căn nhà tạm bợ, nhưng chẳng ai muốn đi, bởi phần thì phải di dời đi xa, phần thì đi sang nơi mới chẳng biết sống bằng cách nào. Nhưng đã là chủ trương chung thì chúng tôi chấp nhận”. Ông tâm sự rằng, nếu khi đó, ông và các hộ gia đình không chịu di dời, thì có lẽ thế hệ con cháu của ông vẫn phải sống trên một bãi sình lầy, ô nhiễm... con cái không được học hành, cuộc sống sẽ chẳng có nhiều thay đổi như hiện nay và cũng chẳng có con đường xanh, đẹp như hiện nay.

 

Con kênh kiểu mẫu


Sau gần 20 năm nỗ lực cải tạo, hình ảnh một dòng kênh gần “chết” đã hồi sinh một cách mạnh mẽ. Thay vào những căn nhà tạm bợ, lụp xụp khi xưa là hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa trải nhựa phẳng lì với dãy cây xanh, hoa cảnh và dàn đèn chiếu sáng chạy uốn lượn theo kênh. Những khóm hoa hồng, hoa chuối, bông giấy đủ màu sắc hay những hàng liễu rũ, sò đo cam... đã làm rực rỡ thêm dòng kênh đen ngày nào.Và mặc dù nước kênh chưa trong xanh, nhưng những người dân sống hai bên dòng kênh này và cả người dân thành phố đều hi vọng chỉ vài ba năm, nước sẽ trong xanh trở lại bởi dự án thoát nước thải cho dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang đi vào giai đoạn 2 - giai đoạn “hồi sinh” cho dòng nước.


Mỗi buổi sáng sớm hay chiều tối, hai bên bờ kênh, hàng trăm người dân thành phố chạy bộ tập thể dục, hay đi dạo, mang ghế ra ngồi cạnh bờ sông hóng gió.


Anh Hoàng Thái - nhà quận 12, nói: “Hằng ngày tôi đi làm bằng con đường này, thấy rất thích và thoải mái bởi nó thông thoáng, sạch sẽ và đẹp. Từ ngày đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành thì đường đi làm của tôi dường như ngắn lại, thời gian đi từ nhà đến công ty cũng nhanh hơn. Không chỉ riêng tôi, mà ai đi tuyến đường này cũng sẽ thấy rất mừng, phấn khởi và mong thành phố có nhiều tuyến đường hơn như thế. Mong là một ngày gần đây, tuyến kênh - từng nổi tiếng ô nhiễm khắp cả nước, của thành phố sẽ lại trong xanh!”.


Chị Xuân Thanh - một Việt kiều Pháp, khi xem những bức ảnh mới về dòng kênh, đã thốt lên rằng: “Tôi không thể tưởng tượng nổi con kênh “thối” ngày xưa bây giờ đẹp lạ lùng đến thế. Hi vọng con kênh này sẽ trở thành con kênh kiểu mẫu hay lớn hơn là “biểu tượng” của thành phố. Mong thành phố sẽ chăm chút và làm đẹp thêm giống như những con sông chảy qua các thành phố ở nước ngoài”. Và chị đã hi vọng dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ như dòng sông... Seine của đất nước mà chị đang sống.


Ngày 18/8 vừa qua, UBND TP.HCM đã làm lễ khánh thành giai đoạn 1 của dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã khẳng định: “Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè mang ý nghĩa chính trị - xã hội rất quan trọng, thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc giải tỏa những khu nhà ở lụp xụp, nâng cao môi trường sống cho người dân thành phố theo hướng xanh - sạch - đẹp. Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành công sẽ giúp thành phố có thêm nhiều kinh nghiệm để thực hiện các dự án khác”. Hi vọng không bao lâu nữa, dòng nước đen hiện nay sẽ được thay thế bằng dòng nước trong xanh mát và dòng kênh “thối” ngày nào sẽ thành “con kênh xanh xanh” như bao kì vọng của người dân thành phố mang tên Bác.

 


Minh Thuyết