Xã hội hóa nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên

Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị xã hội hóa nguồn vốn nhằm huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp nguồn vốn thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) - chương trình đã có nhiều kết quả từ năm 2007 đến nay.


Giao dịch tại NHCSXH chi nhánh tỉnh Long An. Ảnh: Ngọc Tú

 

Hội nghị xã hội hóa nguồn vốn Chương trình tín dụng đối với HSSV sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 8/2012.


Tham dự hội nghị trên sẽ có lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Cùng tham dự hội nghị trên cũng có các tổ chức hội đoàn thể; lãnh đạo một số UBND tỉnh; lãnh đạo một số trường đại học, ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế; đại diện một số chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố.


Theo số liệu thống kê, trong gần 5 năm triển khai Chương trình tín dụng cho HSSV, bình quân mỗi năm NHCSXH đã cho vay 8.000 tỷ đồng, năm cao nhất là năm 2009 với 9.400 tỷ đồng. NHCSXH tính toán đến năm 2016 ( tức là sau 9 năm tổ chức thực hiện) sẽ hoàn thành chu kỳ cho vay vòng 1 để hoàn trả tiền gốc cho ngân sách nhà nước.


Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV là cơ cấu nguồn vốn tín dụng của chương trình chưa có tính bền vững, vẫn còn nhiều bị động, chủ yếu là vốn tạm vay, tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, vốn huy động qua các kênh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Thời điểm giải ngân vốn vay thường tập trung cao vào đầu năm học, đầu học kỳ, thời gian giải ngân lại ngắn. Vì vậy, đã có nhiều thời điểm, do có khó khăn trên thị trường, NHCSXH đã không thể huy động được vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của HSSV, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của con em các gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách, gây ra tâm lý không tốt trong dư luận.


Tổng số nguồn vốn quay vòng của chương trình được xác định khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước dự kiến cấp là 16.000 tỷ đồng; nguồn vốn cần huy động khoảng 34.000 tỷ đồng.


Hiện nay, nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh để cho HSSV vay mới đạt 14.000 tỷ đồng.


Như vậy, để đảm bảo duy trì nguồn vốn cho vay quay vòng của chương trình là 50.000 tỷ đồng, trong thời gian tới cần huy động thêm 20.000 tỷ đồng.
Vì vậy, việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV giai đoạn 2012-2015 là một việc làm cần thiết.

 

Tổng kết 5 năm thực hiện tín dụng học sinh, sinh viên

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn chưa tìm được việc làm, nên chưa có điều kiện trả nợ vốn vay từ NHCSXH để trang trải cho việc học tập.


Sinh viên khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố rộng rãi việc các cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) khó khăn chưa phải đóng học phí ngay khi nhập học. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần khẩn trương thực hiện việc công bố, cung cấp thông tin rộng rãi về quy trình xác nhận miễn giảm và cấp bù học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách trước ngày 30/8/2012. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách gia hạn nợ đối với trường hợp học sinh, sinh viên sau khi ra trường chưa tìm được việc làm và gia đình vẫn thuộc diện đối tượng vay vốn thật sự khó khăn, chưa thể trả được nợ; bổ sung cho vay đối với các gia đình có từ 2 con trở lên học đại học, cao đẳng, học nghề. Bộ Tài chính cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức cho vay theo mức khó khăn khác nhau cho phù hợp với nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn.

Ngân hàng sẽ xem xét gia hạn nợ cho những HSSV đã ra trường nhưng chưa tìm được việc làm. Theo quy định chung, tùy theo từng khoản nợ, thời gian gia hạn tối đa khoảng 2 năm. Còn đối với những trường hợp đã hết thời gian gia hạn nhưng các bạn trẻ vẫn chưa tìm được việc làm thì ngân hàng sẽ nghiên cứu để có hướng giải quyết phù hợp.


Chương trình tín dụng đối với HSSV hiện đã giúp cho hơn 2,8 triệu lượt HSSV được vay vốn. Hiện nay đang có hơn 1,9 triệu hộ gia đình với gần 2,4 triệu HSSV đang còn dư nợ.


Theo thông tin Văn phòng Chính phủ, dự kiến trong tháng 11 tới, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV trên phạm vi toàn quốc theo hình thức trực tuyến thông qua các điểm cầu truyền hình tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Theo chinhphu.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN