Vốn chính sách về miền Tây Nam bộ

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001-2010”, kinh tế - xã hội các tỉnh, thành trong vùng đã có bước phát triển nhanh, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Long An lái tắc ráng (một loại phương tiện đặc thù ở miền Tây Nam bộ) xuống giao dịch tại xã trong vùng lũ.


Trong thành tích chung đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Với mạng lưới hoạt động phủ kín đến tất cả các xã (hiện có 1.620 điểm giao dịch lưu động tại xã), NHCSXH đã tạo nên một cơ chế cho vay đặc thù đem vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo, đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp nhất và hiệu quả sử dụng cao nhất. Đó là giao dịch tại xã, ủy thác qua các tổ chức xã hội đoàn thể, thiết lập các tổ tiết kiệm và vay vốn ở khóm, ấp, tổ chức bình bầu hộ vay đúng đối tượng từ cơ sở… Chính vì vậy, trong một chuyến công tác từ vùng lũ trở về TP Tân An (Long An), Giám đốc Phòng giao dịch huyện Thạnh Hóa, ông Trần Sỹ Hoàn có thể dẫn nhà báo “ghé vô” bất cứ hộ dân vay vốn nào trên địa bàn phụ trách, nơi mà các cán bộ tín dụng chính sách được coi như người nhà.

Gia đình bà Bùi Thị Thu Ba ở ấp 1, xã Thụy Tây (huyện Thạnh Hóa, Long An) là một hộ nghèo, có 3 người con học đại học. Bà Ba cho biết năm 2010 được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo để chăn nuôi heo và làm vốn buôn bán nhỏ. Ba người con đi học đều được vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, dư nợ đến nay là 44 triệu đồng, trong đó 1 người đã ra trường, có việc làm và bắt đầu trả nợ. Bà Ba tâm sự, hai đứa con đầu học cũng giỏi nhưng hồi đó chưa có chương trình tín dụng học sinh, sinh viên nên nhà nghèo quá không dám cho đi học.

Sau 10 năm hoạt động tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, NHCSXH đã cho vay gần 24.000 tỷ đồng tới 3,6 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách. Hiện có 14 chương trình tín dụng đang triển khai với dư nợ đến hết năm 2011 đạt gần 16.920 tỷ đồng (chiếm 16,31% so với toàn quốc). Vốn tín dụng chính sách đã giúp 575.406 hộ thoát nghèo; giúp hơn 550.000 người có việc làm, trong đó có 17.343 lao động đang làm việc ở nước ngoài; hơn 450.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 600.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 85.000 căn nhà vượt lũ; gần 130.000 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách…

Cũng chung niềm hy vọng vào tương lai của các con, bà Lê Thị Mạnh, một hộ nghèo ở cụm dân cư vượt lũ xã Thụy Tây, có 2 con đi học trung cấp, trong đó 1 con tiếp tục học liên thông lên đại học nhờ vốn vay NHCSXH, dư nợ hiện tại là 39 triệu đồng. Ngoài ra bà còn được vay 10 triệu đồng mua nền nhà trả chậm trên cụm dân cư vượt lũ và thêm 9 triệu đồng để xây nhà, giúp cho gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn. Bà Mạnh cho biết, các con rất ý thức được việc ra trường đi làm để trả nợ, đồng thời Nhà nước cho trả từ từ nên cũng thuận lợi. Tuy vậy, cũng có bất cập khi có trường yêu cầu sinh viên đóng tiền học trước mới xác nhận để sinh viên về địa phương vay vốn. Những lúc như vậy, bà Mạnh phải đi vay ngoài với lãi suất 50.000 đồng/triệu/tháng (5%/tháng – PV).

Trong phát triển kinh tế, chị Ngô Thị Thi Xinh, ở ấp 2, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là một tấm gương điển hình vay vốn thoát nghèo. Năm 2003, gia đình chị Xinh là một hộ nghèo, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà, vịt. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, đàn gà, vịt của chị phát triển nhanh. Tiền lãi từ những lứa đầu được chị tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng, gây giống nhân đàn. Đến năm 2009 gia đình chị Xinh đã thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng. Và nay thì chị đã có 1 trang trại chăn nuôi vịt và bán con giống cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 3 lao động.

Cũng ở ấp 2 xã Mỹ An, gia đình anh Huỳnh Văn Út, một hộ nghèo được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH lại chọn chăn nuôi lợn. Anh Út tâm sự, cũng muốn chăn nuôi lợn từ lâu rồi nhưng không có vốn, ở bên ngoài thấy mình nghèo họ cũng không cho vay, rất mừng khi NHCSXH cho vay lại với lãi suất ưu đãi. Nhờ vốn vay, ngay trong năm 2011 anh Út đã xuất chuồng được 7 lứa lợn con, thu lãi 50 triệu đồng, anh đầu tư tiếp mở rộng đàn lên 30 con. Cùng đi với chúng tôi, chị Phạm Thị Ngọc Thùy, Giám đốc Phòng giao dịch huyện Thủ Thừa đã tư vấn cho anh Út nên xây công trình biôgas và làm thủ tục vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Còn ông Đoàn Văn Trọn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An, người đã sát sao hướng dẫn anh Út phương thức làm ăn mới từ nhiều năm nay, góp ý thêm về cách thức phòng bệnh, xây sửa chuồng trại hợp vệ sinh... Đã đi rất nhiều vùng miền, thăm nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, chúng tôi biết rằng, ở đâu mà cán bộ NHCSXH nắm chắc cơ sở, tích cực phối hợp cùng cán bộ các đoàn thể vận động nhân dân đổi mới tư duy, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thì ở đó vốn vay được sử dụng hiệu quả và người dân sẽ thoát nghèo.


Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: Tín dụng chính sách là giải pháp giảm nghèo bền vững Chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã được triển khai đến tất cả các ấp, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giúp bà con có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Những kết quả đạt được trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong vùng Tây Nam bộ. Có được những kết quả đó, trước tiên là do NHCSXH đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hội nhận dịch vụ ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn… Từ đó, xây dựng thành công hệ thống tín dụng đặc thù, với phương thức quản lý vốn vay phù hợp được cấp ủy, chính quyền và người dân trong cả nước nói chung và khu vực Tây Nam bộ nói riêng đồng tình ủng hộ. Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trong khu vực Tây Nam bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành, các tổ chức chính trị - xã hội và NHCSXH cần phải quán triệt quan điểm: tín dụng chính sách xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững. Vì vậy, cần ra sức thực hiện có hiệu quả chính sách này. Đây không chỉ là trách nhiệm của NHCSXH mà đòi hỏi trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, của chính hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong quá trình sử dụng vốn và thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An: Hộ cận nghèo cũng cần vốn ưu đãi Các cấp Hội Nông dân tỉnh Long An nhận ủy thác với NHCSXH 9 chương trình tín dụng, dư nợ hiện trên 500 tỷ đồng. Hội đã mở hàng trăm lớp tập huấn để hướng dẫn hội viên biết cách sử dụng vốn vay; đồng thời tiến hành các đợt kiểm tra chuyên đề, củng cố các tổ tiết kiệm vay vốn (chi hội trưởng là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn) để nâng cao chất lượng tín dụng. Việc phối hợp với NHCSXH thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi được đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng năm, mỗi chi hội đăng ký mỗi năm 1 hộ hội viên thoát nghèo trong đó có giải pháp vốn vay NHCSXH. Riêng năm 2011 đã có hơn 1.300 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên với những hộ mới thoát nghèo chưa bền vững mà rút vốn chính sách ra ngay thì họ cũng không tiếp cận được vốn vay thương mại. Do đó nên tiếp tục cho hộ cận nghèo vay để phát triển bền vững, có thể với lãi suất cao hơn hộ nghèo.


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN