Triển khai cho vay hộ nghèo theo chuẩn đa chiều

Theo kết quả cuộc tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Trị là 15,43% (tăng hơn 2 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chuẩn cũ cuối năm 2015), tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,1%.

Hộ nghèo tăng là áp lực không nhỏ đối với nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Quảng Trị.

Gia đình anh Nguyễn Viết Quốc, thôn Sơn Thượng, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) rơi vào hoàn cảnh hộ nghèo sau khi địa phương rà soát lại tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Hai vợ chồng đều làm nông, nuôi hai con nhỏ, căn nhà tạm mới dựng sau khi lập gia đình ra ở riêng dường như chưa có tài sản gì có giá trị. Vì vậy, khi điều tra viên rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới, ngoài thu nhập gia đình anh Quốc còn thiếu hụt 6/10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

 Nằm vào danh sách hộ nghèo, anh Quốc không mong muốn gì hơn là được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để có vốn đầu tư trồng cây hồ tiêu và chăn nuôi bò nhốt chuồng, tạo thu nhập để từng bước cải thiện cuộc sống. Không riêng gì trường hợp gia đình anh Quốc, mà theo tiêu chí đánh giá mới, hộ nghèo ở Quảng Trị đã tăng gấp đôi so với năm 2015. 

Giải ngân vốn vay cho hộ nghèo ở Quảng Trị.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng trị có 24.579 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,43%; 11.319 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,1%. Và đại bộ phận hộ nghèo, cận nghèo đều có nhu cầu vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Trong công tác giảm nghèo bền vững, dù là đánh giá theo tiêu chí cũ hay mới thì cải thiện thu nhập vẫn là gốc rễ vấn đề. Vậy nên hỗ trợ người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất được xem là một trong những biện pháp giảm nghèo hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Đồng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị khẳng định, ngay sau khi có kết quả tổng điều tra, để đáp ứng nhu cầu vay vốn khi đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tăng lên theo kết quả điều tra, chi nhánh đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung mọi điều kiện, giải pháp, tranh thủ tối đa nguồn vốn, bám sát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để giải ngân nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là đối với các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao như huyện Đakrông, Hướng Hóa..

Trong quý I năm 2016, NHCSHX chi nhánh Quảng Trị đã hoàn thiện hồ sơ và giải ngân cho vay với số tiền 173,5 tỷ đồng, tập trung vào các chương trình tín dụng như: hộ nghèo 36,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo 30,1 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 39,9 tỷ đồng với 844 hộ, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 32,3 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 11,2 tỷ đồng... cho 5.982 lượt khách hàng vay vốn. Tính đến cuối tháng 4/2016, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 212.766 triệu đồng với 7.031 hộ đang còn dư nợ. Có thể khẳng định những năm qua, nguồn vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước đã có những tác động tích cực đối với công cuộc giảm nghèo ở Quảng Trị, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,7%, cận nghèo 15,28% năm 2011 xuống 6,92% hộ nghèo, 7,13% hộ cận nghèo năm 2015.

Đánh giá kết quả đạt được quý I/2016, ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc tích cực giải ngân nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng trị trong những tháng đầu năm đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới, nguồn vốn này sẽ góp phần thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

Thời gian tới, chi nhánh cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, huy động mọi nguồn vốn; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, phối hợp tốt với các cơ quan ban ngành liên quan để triển khai có hiệu quả Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là các chương trình tín dụng mới như: cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo nhà ở theo Nghị định 100 và cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo nghị định số 75 của Chính phủ… Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo đa chiều được vốn vay ưu đãi vươn lên trong sản xuất kinh tế và tiếp cận được nhiều hơn các dịch vụ xã hội cơ bản để thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.


Bài và ảnh: Văn Pháp
Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng
Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng

Nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn của Nhà nước như BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm. Động thái này nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vay vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN