Tín dụng chứng khoán - Đứng ngồi không yên

Thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư (NĐT) và công ty chứng khoán (CTCK) đứng ngồi không yên vì “lỡ” vay và cho vay đầu tư chứng khoán nhưng vẫn chưa có khả năng trả và thu hồi nợ. Theo các báo cáo tài chính quý I/2011, các CTCK phải thu hồi nợ ít nhất hàng chục tỷ đồng, nhiều nhất hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Áp lực giải chấp

Chị Nguyễn Hải – NĐT tại CTCK Hải Phòng, chi nhánh TP Nha Trang cho biết: “Đọc thông tin các trang tài chính phân tích, tháng 5 này TTCK sẽ hồi phục dần. Vì thế, tôi đã vay CTCK 300 triệu đồng để đầu tư với lãi suất 1,83%/tháng. Thế nhưng, thị trường vẫn không tăng như dự đoán mà tiếp tục đi xuống, trong khi đó thời gian đáo hạn gần kề. Nếu cuối tháng 5 này không giải chấp (bán cổ phiếu nhà đầu tư đã mua vào bằng tiền vay của công ty chứng khoán), lãi suất sẽ tăng lên 3%/tháng, tương đương với lãi suất vay nóng ở ngoài. Tuy nhiên, CTCK cũng chỉ cho kéo dài khoảng 1 tuần phải trả hết trả nợ, nếu không sẽ bán các cổ phiếu trong tài khoản để thu hồi nợ. Điều này đồng nghĩa, tôi phải chấp nhận thua lỗ nhiều hơn nữa số tiền đầu tư mua chứng khoán”.

Nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì chỉ số chứng khoán liên tục giảm. Ảnh: Lê Phú


Theo các CTCK, trường hợp như chị Nguyễn Hải không phải là ít. Nhất là trong chu kỳ phục hồi ngắn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2010, thanh khoản nhiều phiên liên tục đạt 3.000 - 5.000 tỷ đồng, nhiều NĐT lao vào vay tiền mua chứng khoán, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng ngay sau đó, thị trường rơi tự do nên đa số chứng khoán rơi vào ngưỡng phải giải chấp, khiến áp lực nguồn cung cổ phiếu buộc phải giải chấp tại CTCK là rất lớn. Đáng lo ngại, trong khi thị trường càng giảm mạnh, lãi suất hỗ trợ vay vốn của các CTCK lại liên tục tăng cao theo lãi suất cho vay của ngân hàng. Chỉ riêng trong tuần qua, đã có ít nhất 5 công ty chứng khoán tăng lãi suất lên cho cả dịch vụ ứng trước tiền bán và hợp tác kinh doanh, với mức lãi suất bình quân 25-27%/năm.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu rớt thê thảm cũng khiến nhiều NĐT thua lỗ nặng vì phải giải chấp chứng khoán để trả nợ. Tính phiên ngày 24/5, đã có hơn 40% cổ phiếu niêm yết trên cả 2 sàn HOSE và HNX có thị giá dưới mệnh giá. Đáng chú ý, một số cổ phiếu như TTC, VSV, VTA, FPC, VKP có thị giá thấp hơn 3.000 đồng/cổ phiếu, tương đương bằng một cốc trà.

CTCK khó thu hồi nợ

Không chỉ các NĐT đối mặt rủi ro với tín dụng chứng khoán, mà ngay các CTCK cũng đứng ngồi không yên khi gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ từ dịch vụ cung cấp đòn bẩy tài chính (cho NĐT thế chấp cổ phiếu để vay tiền đầu tư chứng khoán).

Theo phân tích của CTCK SME, nếu trung bình các khoản vay từ 3 - 6 tháng, thì quý II/2011 sẽ rơi vào giai đoạn thu hồi vốn từ CTCK. Như vậy, số cổ phiếu mua từ tiền sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ buộc phải bán để thu hồi nợ. Tuy nhiên, không phải CP nào CTCK cũng bán kịp để thu hồi vốn do thị trường mất thanh khoản. Điều này đồng nghĩa, các CTCK sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là những CTCK huy động khoản vốn cho vay rất lớn từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng.

Trong khi đó, hoạt động cho vay, cung cấp đòn bẩy tài chính của CTCK là hoạt động “chui”, hay bán công khai dưới hình thức hợp tác đầu tư, nên NĐT chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn. Cụ thể, NĐT sẵn sàng chấp nhận đóng tài khoản khi thị trường quá xấu, chứ không muốn nộp thêm tiền. Rủi ro mất thanh khoản và thua lỗ đang đẩy cho đối tượng cung ứng vốn (CTCK và ngân hàng) gánh chịu. Ông Vũ Đình Độ, nguyên giám đốc đầu tư của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng: “Nếu thị trường không đảo chiều, những khoản phải thu của khách hàng không được giải quyết, mức lỗ quí II/2011 sẽ lớn hơn và khả năng một số công ty chứng khoán phá sản không phải là không có.”

Có thể thấy, bài học CTCK Hà Thành là một ví dụ điển hình. Chính vì vậy, trong tuần này Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, UBCK, các Sở GDCK… tổ chức hội nghị bàn biện pháp “cứu” TTCK. Theo đó, VASB dự định kiến nghị 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, cho phép miễn thuế kinh doanh chứng khoán cho CTCK, NĐT trong năm 2011. Thứ hai, xem xét miễn, giãn các khoản phí mà CTCK phải nộp cho UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm lưu ký trong năm nay. Bởi lẽ, nhiều CTCK thua lỗ triền miên, nhưng mỗi năm phải nộp hàng tỷ đồng các loại phí. Thứ ba, kiến nghị cơ quan quản lý cho phép triển khai ngay một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường như mua bán cùng phiên, giảm chu kỳ thanh toán xuống T+2 và đặc biệt là CTCK được triển khai nghiệp vụ cho vay ký quỹ với tỷ lệ hợp lý.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN