Thúc đẩy tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng​

“Tăng cường kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng” là chủ đề Hội thảo do UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tổ chức ngày 10/12.

Tham luận, chia sẻ tại hội thảo của các đại biểu tập trung vào những nội dung: Giới thiệu về mô hình xây dựng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, Nhật Bản; mô hình cơ chế tín chỉ chung (JCM); biện pháp cắt giảm CO2 để xây dựng khu công nghiệp sinh thái…

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành: Thành phố Hải Phòng và thành phố Kitakyushu của Nhật Bản có quan hệ hợp tác, hữu nghị từ năm 2009 và trở thành “thành phố kết nghĩa” từ năm 2014. Đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai địa phương đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Với sự hỗ trợ của Bộ Môi trường Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và kinh nghiệm từ thành phố Kitakyushu, từ năm 2014, Hải Phòng và Kitakyushu cùng hợp tác thực hiện “Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của thành phố Hải Phòng (GGPP)”, nhằm thúc đẩy phát triển thành phố carbon thấp, hướng đến mục tiêu thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã được thành phố Hải Phòng và thành phố Kitakyushu đề xuất trở thành mô hình Khu công nghiệp sinh thái. Theo đó, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã tích cực triển khai các dự án khác nhau góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính (GHG) cùng với sự hợp tác cộng đồng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, ông Phạm Hồng Điệp cho biết: Nam Cầu Kiền tiếp tục xây dựng một khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn. Khu công nghiệp sinh thái này sẽ như một khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Ở đó sẽ có doanh nghiệp chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, cung ứng thực phẩm, có hệ thống chợ ẩm thực, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang thúc đẩy chuyển giao các khu công nghiệp ở Việt Nam trở nên thân thiện với môi trường hơn. Khái niệm Khu công nghiệp sinh thái đã được quy định trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, các hướng dẫn chi tiết bao gồm các tiêu chí của Khu công nghiệp sinh thái vẫn chưa được xây dựng. Về mặt này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kỳ vọng thành phố Hải Phòng sẽ trở thành thành phố kiểu mẫu cho sự phát triển Khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ kỹ thuật của thành phố Kitakyushu từ những kinh nghiệm sâu rộng như được biết đến là Ecotown đầu tiên tại Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển xây dựng khu Công nghiệp sinh thái tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền giữa Trung tâm giảm thiểu carbon khu vực châu Á, thành phố Kitakyushu - Mạng lưới Ecotown thành phố Kitakyushu và Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại hội thảo, Trung tâm Giảm thiểu Cacbon khu vực châu Á, Mạng lưới Ecotown thành phố Kitakyushu và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã cùng nhau ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án xây dựng khu công nghiệp sinh thái tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Khu công nghiệp sinh thái là mô hình Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích thúc đẩy.

Dựa trên hoạt động hợp tác này, bốn lĩnh vực được xác định là khu vực tiềm năng cho hợp tác: Dự án năng lượng tái tạo (cân nhắc việc thiết lập một doanh nghiệp điện lực địa phương); tiết kiệm năng lượng và bảo tồn môi trường bằng cách lắp đặt bộ thu gom bụi với biến tần cao áp cho nhà đầu tư (công ty sản xuất lò điện và công ty tái chế nhựa); chia sẻ kinh nghiệm của Kitakyushu Ecotown để thúc đẩy giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức thông qua thiết lập tại tòa nhà văn phòng điều hành mới thành lập của Khu công nghiệp; giải quyết vấn đề xử lý nước thải và thúc đẩy giải pháp 3R (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế rác thải ở Việt Nam) bằng cách cử chuyên gia của thành phố Kitakyushu đến khu công nghiệp.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Bảo tồn biển gắn với tăng trưởng xanh, phát triển nghề cá bền vững
Bảo tồn biển gắn với tăng trưởng xanh, phát triển nghề cá bền vững

Khu bảo tồn biển là công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của các vùng biển, các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên như nghề cá, du lịch và các dịch vụ khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN