Thừa tiền nhưng không dễ cho vay

Thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp (DN) sẽ gia tăng khi sản xuất, kinh doanh vào mùa cao điểm. Đây cũng là cơ hội tốt để các ngân hàng thương mại (NHTM) mở rộng hoạt động cho vay, đồng thời giải quyết nguồn tiền đang dư thừa.


Tăng tốc cho vay cuối năm


Hệ thống ngân hàng đang đứng trước áp lực thừa tiền do tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm trong khi dòng tiền trong dân tiếp tục “chảy” vào ngân hàng trong những tháng cuối năm. Trước áp lực thừa tiền, nhiều NHTM đã triển khai các kế hoạch đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thông qua việc tung ra các gói tín dụng giá rẻ để đón bắt nhu cầu vốn của các DN tăng cao trong những tháng cuối năm.

 

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần vốn nhưng không dễ tiếp cận. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Mới đây nhất, ngày 8/9 Ngân hàng Sacombank thông báo dành 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng DN trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu; nông lâm thủy sản; dược phẩm, y tế; xăng dầu, vận tải; nhà hàng, du lịch, khách sạn; hóa chất; dệt may, da giày; linh kiện điện tử, thực phẩm và hàng tiêu dùng trên toàn quốc. Gói tín dụng 2.500 tỷ sẽ được kéo dài từ nay đến hết năm. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay này tối thiểu là 7%/năm trong 6 tháng đầu.


Do áp lực “thừa tiền”, các NHTM đã tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi để dòng tiền chuyển hướng. Theo đó, lãi suất huy động giảm từ 0,1 - 0,5%/năm. Theo các NHTM, nguyên nhân hạ lãi suất huy động là do tình trạng dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng, ngoài ra lạm phát thấp cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng tính toán lại chi phí, giảm lãi suất huy động. Hiện trần lãi suất huy động từ 1 đến 6 tháng theo quy định của NHNN ở mức 6%/năm, kỳ hạn trên 6 tháng thì các ngân hàng được tự quyết định theo thỏa thuận với người đi vay.

HDBank cũng đang triển khai nhiều gói tài chính ưu đãi như dành 1.500 tỷ đồng trong chương trình cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, vay mua nhà đất, tiêu dùng… Hoặc dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất siêu ưu đãi dành cho các DN vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh. Còn ngân hàng ABBank dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi tối thiểu 8,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua, xây, sửa chữa nhà, mua xe và tiêu dùng cá nhân.


Techcombank lại hướng về vay tiêu dùng với 2 sản phẩm là Cho vay mua ô tô doanh nghiệp và Vay siêu tốc, cam kết phục vụ nhanh nhất những nhu cầu cơ bản và thiết yếu trong hoạt động kinh doanh của các DN. Thủ tục giải quyết trong vòng 12 giờ làm việc với lãi suất chỉ 7,99% trong 3 tháng đầu tiên.


Bên cạnh các nguồn vốn giá rẻ do các NHTM tự triển khai, nhiều địa phương cũng đang tích cực đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - DN để tín dụng được khơi thông hơn. Là địa phương đi đầu chương trình này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch từ nay đến cuối năm, chương trình kết nối ngân hàng - DN dự kiến đạt tổng vốn giải ngân khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng. “Đây là thời điểm DN cần vốn mua nguyên liệu sản xuất, dự trữ hàng hóa cho mùa vụ cuối năm, nên cũng chính là thời điểm nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng tăng cao tác động đến tín dụng. Theo đó, tín dụng sẽ dần được cải thiện khi mùa vụ kinh doanh cao điểm cận kề”, ông Minh nhận định.


Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm lãi suất sẽ tiếp tục giảm và tình hình tín dụng sẽ được cải thiện dần đến hết năm 2015 do lĩnh vực bất động sản và xây dựng đang từng bước phục hồi, các lĩnh vực xuất khẩu nông thủy sản sẽ tăng tốt, và tiêu dùng nội địa cũng được cải thiện.
Chú trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ


TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng: Thực tế, tín dụng tăng thấp trong nửa đầu năm nay là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho DN vay vốn chưa được đẩy mạnh.


Để tăng trưởng tín dụng, mặc dù các NH tăng tốc cho vay cuối năm với lãi suất rẻ nhằm đẩy mạnh tín dụng nhưng vẫn chưa đủ để kích cầu cho vay. Các NH vẫn phải chịu áp lực lớn trong việc gia tăng hiệu quả kinh doanh và cạnh tranh lẫn nhau. Bên cạnh các gói cho vay với lãi suất thấp và chính sách ưu đãi trong thời gian gần đây, các NH còn phải chấp nhận giảm một số tiêu chuẩn cho vay. Để khơi thông tín dụng, theo TS Đinh Thế Hiển, các NHTM phải tích cực, chủ động hỗ trợ DN trong quá trình sử dụng vốn.


TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, lãi suất NH hiện không còn là áp lực quá lớn đối với DN. Tuy nhiên, do lo ngại rủi ro sẽ làm nợ xấu tăng cao, các NH không mặn mà đẩy mạnh vốn cho vay đối với DN đang vướng nợ xấu. Trong khi đó, quỹ bảo lãnh tín dụng của Việt Nam còn quá mỏng. Thực tế, đối với các DN nhỏ và vừa, để tiếp cận với quỹ bảo lãnh tín dụng là điều hết sức khó khăn, dù nhu cầu vốn của những DN này cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh rất lớn. Theo đó, cần có sự thay đổi về việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng, cụ thể Nhà nước và các tổ chức tư nhân cùng tham gia để hỗ trợ vốn cho DN. Đồng thời, NHTM nên chú trọng hơn DN vừa và nhỏ, bởi đây chính là thị trường và lợi nhuận của mình.


Hải Yên

Phương thức ủy thác cho vay đạt hiệu quả cao
Phương thức ủy thác cho vay đạt hiệu quả cao

Ông Nguyễn Hồng Thao, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ, cho biết: 5 tháng đầu năm, đơn vị đã giải ngân được gần 100 tỷ đồng vốn ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN