Tập trung vốn cho nông nghiệp và không để thị trường BĐS đóng băng

Hôm qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (ảnh) đã trả lời phỏng vấn báo chí về các vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm như: Trần lãi suất, tín dụng bất động sản, nông nghiệp... và định hướng của ngành ngân hàng trong năm 2012.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm 2011, xin Thống đốc cho biết những kết quả đạt được của năm nay và định hướng điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) những tháng cuối năm 2011?

Hiện nay, NHNN cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tích cực hoạt động để thiết thực góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế không chỉ cho năm nay mà còn tạo đà cho năm 2012.

Đến nay, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống khoảng trên 10%, NHNN đang phấn đấu để đến cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống khoảng 12 - 13%. Nếu tính tổng cả các khoản đầu tư có bản chất tín dụng thì đến hết năm nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khoảng 15%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng này thuộc loại thấp nhất trong 10 năm qua (trong 10 năm, tăng trưởng tín dụng bình quân của hệ thống ngân hàng vào khoảng 30%/năm).

Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng chúng ta cũng đạt được một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: Tăng trưởng kinh tế 5,8 – 6%, kiểm soát được nhập siêu. Năm nay cũng là năm có lạm phát cao nhưng áp lực lên tỷ giá từ tháng 4/2011 tới nay đã dịu đi rất nhiều so với các năm. Trong kết quả đó, có phần đóng góp rất lớn là do đầu tư toàn xã hội giảm xuống vì tín dụng ngân hàng giảm xuống. Qua đó, chúng ta thấy được mặt tích cực từ việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng và luồng vốn ngân hàng được tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế sẽ tạo ra hiệu quả lớn.
Bên cạnh đó, năm nay tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống khoảng 15%, nhưng riêng tín dụng của khu vực sản xuất tính đến hết tháng 10 đã tăng 15,5%. Tín dụng cho xuất khẩu tăng cao. Tính tới tháng 8/2011, tín dụng cho nông nghiệp lên tới trên 30%, đến quý IV/2011 này, do tính chất thời vụ nên giảm xuống còn 24%, nhưng đây cũng là con số cao.

Năm nay, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta gặt hái lớn trong hoạt động xuất khẩu, nông nghiệp... và hệ thống ngân hàng đã hoạt động tích cực phục vụ những lĩnh vực này.

Năm 2011 sắp qua, xin ông cho biết kế hoạch của ngành ngân hàng trong năm 2012 là gì?

Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội cho năm 2012. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vào khoảng 15 - 17%, NHNN sẽ điều hành các NHTM để đạt được mục tiêu này, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát trong các năm tiếp theo nhưng đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế khoảng 6 – 6,5%. Do vậy, trong hoạt động tiền tệ của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động theo hướng chặt chẽ.

“Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng phải nhằm mục đích để bà con nông dân không những sản xuất kinh doanh ổn định mà còn có thể nâng cao năng suất. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là dư nợ cho lĩnh vực nông thôn phải chiếm 75 -80% tổng dư nợ. NHNN cũng quy định các tổ chức tín dụng khác cũng phải có dư nợ cho lĩnh vực nông thôn chiếm ít nhất 20% trong tổng dư nợ.”

Những lĩnh vực được ưu tiên trong năm tới là phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là khôi phục sản xuất ở các vùng bị thiên tai, bão lụt thời gian vừa qua. Thứ hai, tập trung cho sản xuất hàng xuất khẩu. Thứ ba là phục vụ cho công nghiệp phụ trợ. Thứ tư là đảm bảo vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài những lĩnh vực ưu tiên trên, chúng tôi cũng có chính sách cho thị trường bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... một cách đầy đủ hơn. Trong đó, NHNN sẽ quy định cụ thể hơn trong việc cho vay phi sản xuất liên quan đến việc mua nhà ở của người có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị cũng như ở các khu công nghiệp.

Năm 2011, chúng ta đã chặn được đà tăng lạm phát. Do vậy, năm 2012 chúng ta có điều kiện xem xét các thị trường trên ở mức hợp lý hơn. Chính phủ và NHNN sẽ có giải pháp để không làm cho “bong bóng” BĐS tăng lên nhưng đồng thời khơi dậy hoạt động thị trường ở mức độ hợp lý, không để đóng băng.

Trong lĩnh vực tiêu dùng cũng vậy, chúng ta sản xuất hàng hóa để phục vụ xuất khẩu và cả tiêu dùng trong nước. Do vậy, nếu chúng ta không có giải pháp khuyến khích sẽ kìm hãm sản xuất ở mức nhất định; nhưng khuyến khích quá, hơn cả phần tích lũy sẽ tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Do vậy, NHNN sẽ xem xét trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng để có chính sách phù hợp hơn.

Mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức cao, xin Thống đốc cho biết lộ trình giảm lãi suất của NHNN trong thời gian tới như thế nào?

Trong năm 2011, chúng ta đã có những nỗ lực lớn trong điều hành kinh tế; về vĩ mô, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát. Từ tháng 8/2011 tới nay, lạm phát có chiều hướng đi xuống. Đó là dấu hiệu rất tích cực, nhưng cũng phải khẳng định rằng, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức khá cao, từ nay tới cuối năm, chúng ta vẫn đang phấn đấu giữ lạm phát ở mức 18 – 18,5%.

Do vậy, từ tháng 8/2011 tới nay, NHNN cũng như các NHTM đã hoạt động hết sức tích cực để đưa được mức lãi suất huy động về 14%/năm, lãi suất cho vay ở mức 16 - 17%/năm, thậm chí là 18%/năm. Việc tiếp tục giảm lãi suất là nhu cầu tất yếu của nền kinh tế nhưng chúng tôi phải tiến hành trong bối cảnh kiềm chế lạm phát.

Với dấu hiệu lạm phát giảm trong thời gian qua, chúng tôi hy vọng rằng trong 2 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức thấp dưới 1%/tháng. Nếu chúng ta đạt được điều đó sẽ tạo cơ sở vững chắc cho hệ thống ngân hàng giảm lãi suất vào thời điểm cuối năm nay, tạo đà cho hoạt động sản xuất đầu năm sau.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Vinh (thực hiện)


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN