“Nóng” cho vay tiêu dùng

Chưa bao giờ người dân lại dễ dàng tiếp cận với các khoản tín dụng cho nhu cầu mua sắm như hiện nay. Tuy nhiên các "thượng đế" cần hết sức thận trọng trước những lời "mật ngọt" của các tổ chức tài chính để tránh rủi ro.

Doanh thu tăng liên tiếp

Với quy mô dân số trên 90 triệu người cho vay tiêu dùng đang được coi là “miếng bánh béo bở” của nhiều ông lớn kinh doanh trong ngành tài chính. Theo báo cáo kết quả dịch vụ cho vay tiền mặt tiêu dùng của Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam, hoạt động vay tiêu dùng đang tăng trưởng chóng mặt với bình quân hơn 57% trong giai đoạn 2010 - 2015 và tiếp tục đạt con số “khủng” trong bốn tháng đầu năm 2016, doanh thu tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng số lượng công ty tài chính hiện cũng đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đồng thời bùng nổ những dịch vụ, công nghệ tiên tiến như: thanh toán điện tử, dịch vụ thu hộ... 

"Chỉ tính thời điểm cuối năm 2015 dư nợ cho vay tiêu dùng đã chiếm 6,8% tổng dư nợ, đạt 90.000 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian 5 năm qua. Hiện dịch vụ cho vay tài chính tiêu dùng đang phát triển khá mạnh và đây là xu hướng tất yếu của thị trường sẽ góp phần làm giảm đi tình trạng vay nặng lãi và tất nhiên người tiêu dùng đang là đối tượng thụ hưởng được nhiều lợi ích", ông Nguyễn Hoàng Minh Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận xét.

Theo các chuyên gia kinh tế, với việc có nhiều công ty tài chính tham gia thị trường, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng khốc liệt. Việc cạnh tranh giữa các công ty tài chính sẽ giúp cho dịch vụ cho vay tốt hơn, lãi suất cho vay tiêu dùng giảm hơn so với trước đây và người đi vay sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Quan trọng nhất, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, nhất là những đối tượng có thu nhập trung bình thấp. Bởi thông thường các đối tượng này bị các ngân hàng thương mại từ chối cho vay vì khó chứng minh khả năng trả nợ. Dự đoán, cho vay tiêu dùng có thể vượt mốc 10% GDP vào năm 2020.

Ông Lê Đức Thuần, Giám đốc ngành hàng dịch vụ FPT Retail cho biết hiện hồ sơ mua hàng sử dụng vay tài chính năm nay của FPT Shop đã tăng 100% so với cùng kỳ năm 2015 và 30% doanh số đến từ các hợp đồng tín dụng trả góp. Hiện doanh nghiệp đã kết hợp với Home Credit tung ra 3 chương trình áp dụng lãi suất 0% cho nhiều mặt hàng khác nhau. Còn HD SAISON đã bắt tay với các nhà bán lẻ lớn như: Nguyễn Kim, Pico, MediaMart để cung ứng ra thị trường một loạt sản phẩm vay trả góp (gồm: laptop, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, ti vi...) với lãi suất 0%... Lãi suất hấp dẫn đã thật sự "quyến rũ" được người tiêu dùng "mạnh tay" chi tiêu cho nhu cầu mua sắm cá nhân.

Người tiêu dùng thận trọng

Làm nhân viên văn phòng tại một cơ quan nhà nước, lương anh Nguyễn Hữu Bằng chưa đầy 6 triệu đồng/tháng. Mới đây sau khi nghe tư vấn của nhân viên tín dụng một đơn vị tài chính tên tuổi, anh quyết định vay trả góp cho một chiếc TV màn hình phẳng có giá gần 20 triệu đồng. Anh Bằng cho biết, anh chỉ phải trả trước 2 triệu đồng, phần còn lại công ty tài chính cho vay. Tuy nhiên sau khi vay xong anh tá hỏa khi ngoài lãi suất còn phải trả thêm nhiều khoản phí, chi phí, được tính gộp vào khoản tiền vay phải trả định kỳ, chưa kể mức phạt nếu trả muộn rất cao và chặt chẽ. Điều đáng nói là nhân viên tư vấn không nói kỹ những vấn đề trên và bản thân anh không đọc kỹ hợp đồng vay nên vô hình chung rơi vào “bẫy” lãi suất, tính già hóa non... Tính ra khi trả xong khoản vay, cái tivi anh mua đội giá thêm hơn 10%.

Tránh trường hợp rủi ro như anh Bằng, các chuyên gia tài chính khuyến cáo bản thân người đi vay cần trang bị cho mình những kiến thức và bồi dưỡng nhận thức về quản lý tài chính cá nhân, quản lý tài chính hộ gia đình. Đặc biệt, khi vay cần xem xét kỹ lãi suất được tính theo dư nợ giảm dần hay dư nợ ban đầu, thời gian ưu đãi kéo dài trong bao lâu; thời gian vay càng ngắn thì khoản phải trả định kỳ càng cao và ngược lại. Thực tế hầu hết các ưu đãi lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó lãi suất sẽ điều chỉnh theo hướng tăng vọt. Vì vậy, người vay cần xem xét kỹ về thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi đó và mức lãi suất sau ưu đãi. Một điều cần lưu ý nữa là, người tiêu dùng phải lưu giữ hợp đồng, hóa đơn, tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán cẩn thận. Khi phát sinh tranh chấp, bên vay có quyền khiếu nại tại các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết.

Nhìn xa hơn, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho hay hành lang pháp lý tại các ngân hàng vẫn đang gây khó khăn cho người dân, khiến họ phải chuyển sang vay tại các công ty tài chính và vô hình chung đẩy người tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro. Hạn chế rủi ro, người dân nên thận trọng, tỉnh táo khi làm thủ tục để tránh dính phải “bẫy lãi suất 0%” của những công ty tài chính bất minh. "Ngành chức năng cần sớm xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, cởi mở, thuận tiện hơn cho người vay tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng cần có những quy định giám sát thị trường một cách chặt chẽ hơn với hoạt động của các công ty tài chính. Nhưng quan trọng nhất là người tiêu dùng phải hết sức tỉnh táo, có những tính toán kỹ lưỡng bài toán chi tiêu gia đình để không gặp phải các trường hợp rủi ro", ông Hiếu nói thêm. 
Lê Nghĩa
ABBank tăng cường cho vay tín dụng cá nhân dịp cuối năm
ABBank tăng cường cho vay tín dụng cá nhân dịp cuối năm

Bà Vũ Thu Hằng, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ABBank cho biết: Những tháng cuối năm là cơ hội vàng cho thị trường bán lẻ. Vì vậy, ABBank vừa cung cấp gói 2.500 tỷ đồng, lãi suất hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng khi mua nhà, xây, sửa nhà; mua xe ô tô; vay tiêu dùng có thế chấp và vay phục vụ sản xuất kinh doanh từ nay đến hết ngày 31/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN