Ngân hàng phản hồi về phí dịch vụ chuyển tiền

Gần đây, xuất hiện các thông tin về việc nhiều ngân hàng thương mại đang tận thu phí chuyển tiền đối với khách hàng. Nhiều khoản thu lên tới hàng triệu đồng cho mỗi giao dịch, dù là giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, hay thông qua hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) hoặc hệ thống giao dịch trực tuyến (internetbanking).

Thông tin này làm dấy lên sự nghi ngại cho rằng, người dân hướng tới việc lựa chọn dịch vụ tài chính ngầm để thay thế. Đây là xu hướng bất lợi đối với ngành tài chính ngân hàng.

Qua tìm hiểu thực tế, biểu phí dịch vụ hiện đang áp dụng cho khách hàng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần như Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)… không có sự thay đổi và biến động trong khoảng thời gian khá dài.

Khách hàng cần biết lựa chọn dịch vụ để sử dụng, sao cho vừa đạt hiệu quả vừa đảm bảo an toàn tín dụng. Ảnh minh họa - TTXVN


Đơn cử như Ngân hàng BIDV, biểu phí áp dụng từ tháng 4/2011 đến nay đang quy định mức phí chuyển tiền trong nước bằng đồng Việt Nam từ 0,01% đến 0,07%/số tiền, tương đương với mức 10.000 VND đến 2.500.000 VND/giao dịch; phí chuyển tiền quốc tế từ 0,05% đến 0,2%/trị giá chuyển tiền, tương đương với mức 40.000 VND đến 5.000.000 VND/giao dịch. Trong khi đó, từ tháng 10/2009 đến nay, Ngân hàng Vietcombank quy định phí giao dịch chuyển tiền trong nước bằng VND từ 0,01% đến 0,07%, tương đương với mức tối thiểu là 10.000 VND và tối đa là 2.500.000 VND/giao dịch; phí giao dịch chuyển tiền bằng đô la Mỹ (USD) từ 0,01% đến 0,05%, tương đương với mức từ 1 USD đến 70 USD/giao dịch…

Bà Hoàng Tuyết Minh, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo điều 91 của Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội ban hành tháng 6/2010, các tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của mình. Việc triển khai biểu phí dịch vụ chuyển tiền mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng hiện nay cũng phù hợp với quy định chung của Pháp lệnh Phí và lệ phí do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2010. Riêng đối với các giao dịch chuyển tiền qua hệ thống ATM, Ngân hàng Nhà nước hiện đang quy định khung các loại phí phát hành, thường niên và giao dịch ATM, theo Thông tư 35/TT-NHNN ngày 20/11/2014 nên các ngân hàng thương mại không được thu thêm phí ngoài biểu.

Trả lời cho câu hỏi, quản lý ra sao việc tính phí và căn cứ vào đâu để xác định mức phí trong giao dịch chuyển tiền ở các ngân hàng thương mại, Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lý giải, mức phí của từng loại hình dịch vụ mà các ngân hàng đang ấn định phụ thuộc vào chi phí hoạt động của từng ngân hàng, cũng như các yếu tố khách quan khác từ thị trường. Nếu số lượng giao dịch ít, trong khi ngân hàng phải chịu chi phí lớn để quản lý và phục vụ cho hoạt động giao dịch đó như cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ tín dụng, hệ thống công nghệ thông tin… nên mức phí giao dịch không thể tính thấp là đương nhiên.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, khách hàng là người có quyền lựa chọn. Nhất là khi thông tin về phí, về lãi suất, tỷ giá… được các ngân hàng thực hiện khá công khai và minh bạch như hiện nay. Đây chính là yếu tố để các ngân hàng thương mại cạnh tranh thu hút khách hàng, nên khó có chuyện tính phí cao để tận thu hay “bắt chẹt”.

Cũng theo ông Hiếu, Nhà nước không nên can thiệp bằng các văn bản hành chính hay quy định khung biểu phí đối với các ngân hàng thương mại. Bởi quy luật cạnh tranh và cơ chế thị trường sẽ giúp các ngân hàng thương mại tự điều tiết hoạt động giao dịch của chính mình, bằng cách tự xác định mức phí nào là phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu lợi nhuận của doanh nghiệp, vừa với khả năng chi trả của khách hàng mà vẫn đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, đại diện Ngân hàng BIDV cho rằng, với việc ngày càng có nhiều kênh thông tin như hiện nay thì hoạt động cạnh tranh của các ngân hàng thương mại ngày càng diễn ra gay gắt và sòng phẳng. Không có chuyện các ngân hàng muốn tính phí thế nào cũng được, bởi hơn ai hết, việc thu hút và giữ chân khách hàng giao dịch là yếu tố sống còn để đảm bảo hoạt động hiệu quả của các ngân hàng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc sử dụng các dịch vụ chuyển tiền ngầm thường đi kèm với nhiều rủi ro, do không chính thức và thiếu tính cam kết. Vì thế, khách hàng cần biết lựa chọn dịch vụ để sử dụng, sao cho vừa đạt hiệu quả vừa đảm bảo an toàn tín dụng.


Thạch Huê (TTXVN)
Hoa mắt với phí dịch vụ ngân hàng
Hoa mắt với phí dịch vụ ngân hàng

Theo lộ trình thu phí thẻ ATM của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2014, các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép thu 2.000 đồng/lần phí rút tiền nội mạng. Theo các ngân hàng, sau một thời gian dài đầu tư, đã đến lúc họ được “hái quả”. Tuy nhiên...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN