Ngân hàng đẩy mạnh cho vay từ vốn ưu đãi

Thừa vốn, nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay dù đã hạ lãi suất. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) khát vốn nhưng không thể vay vì sản xuất đình đốn do kinh tế khó khăn, hoặc không đủ năng lực đáp ứng tiêu chí vay của ngân hàng (NH). Trước tình hình trên, các NH đã xoay mọi cách để đẩy mạnh cho vay nhằm gỡ nút thắt cho tín dụng.k

 

Hạ lãi suất để kích cầu


Để giảm áp lực nợ xấu, tăng tính thanh khoản cho tín dụng, bên cạnh việc hạ lãi suất cho vay, hơn một tháng qua, các NH cũng đã hạ lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dài (12 tháng) của các NH như Vietcombank, VietinBank, VIB, MB, Eximbank, ABBank… trước đây ở mức 12%/năm, nay giảm xuống ở mức phổ biến 10,5%/năm. Với những ngân hàng nhỏ như VPBank, Maritime Bank, HDBank…, mức lãi suất có nhỉnh hơn, ở mức từ 10,6 - 11%/năm.


 

Hoạt động nghiệp vụ kho quỹ tại VietinBank Chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - ttxvn

Điều đáng nói, trước đây trước khi hạ lãi suất 1 tháng, những khách hàng có khoản tiền gửi lớn trên 10 tỷ đồng thường được các NHTM săn đón, chào mời tiếp tục gửi tại ngân hàng với lãi suất vượt trần, thì nay nhiều NH không còn mặn mà với những khách hàng này nữa. Thậm chí, các NH cũng không khuyến khích khách hàng gửi tiền dài hạn mà tư vấn sang gửi ngắn hạn. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân một phần là lạm phát có xu hướng giảm, phần khác là NH khó tăng trưởng tín dụng trong khi nguồn vốn dư thừa nên buộc phải hạ lãi suất để kích cầu.


Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định, nợ xấu là nguyên nhân chính làm nghẽn dòng tín dụng, khiến lãi suất tuy giảm nhưng không thể giảm sâu. Trong khi đó, người gửi tiền đang hưởng lãi suất thực dương, tương đương 4%/năm. Theo đó, các NH cần tiếp tục hạ lãi suất huy động xuống dưới 8%/năm. Có như thế, lãi suất cho vay mới có thể tiếp tục hạ để kích cầu tín dụng.

 

Gỡ “nút thắt” tín dụng cho doanh nghiệp


Trước mắt, tuy không thể tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, nhưng với nguồn vốn dồi dào, các NHTM đã đẩy mạnh cho vay với nhiều gói ưu đãi. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 30/6, ACB triển khai chương trình “Tài trợ nhập khẩu lãi suất ưu đãi” dành cho các doanh nghiệp nhập khẩu, với gói tín dụng lên đến 2.000 tỷ đồng, mức lãi suất vay VND giảm 30%. Gói ưu đãi này dành cho các doanh nghiệp nhập khẩu (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân) có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ cho việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu thanh toán với thời hạn vay lên đến 6 tháng. Không chỉ DN, khách hàng cá nhân cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt qua chương trình “Vay ưu đãi cầm cố thẻ tiết kiệm do ACB phát hành” với lãi suất chỉ từ 10,5%/năm.


Còn VIB triển khai sản phẩm cho vay mua căn hộ Happy Valley với lãi suất ưu đãi 11,99%/năm không đổi trong suốt năm đầu tiên. Sau đó, lãi suất được áp dụng ở mức: bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm của VIB cộng 4%/năm. Sacombank triển khai gói cho vay ưu đãi trị giá 2.500 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, sản xuất kinh doanh và tại các cơ quan, tổ chức từ 13/3 - 31/5/2013. Theo đó, lãi suất dao động từ 9 - 12%/năm, tùy vào gói sản phẩm và đối tượng khách hàng. Từ nay đến 28/6/2013, Viet Capital Bank cũng triển khai chương trình “Căn nhà mơ ước” với mức lãi suất ưu đãi 10%/năm. Gói hỗ trợ trị giá 300 tỷ đồng này dành cho cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà ở.


Dù các NH đã tung ra hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm. Chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thừa nhận, lãi suất cho vay vẫn còn ở mức khá cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Bởi hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên là 9-12%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 11-15%/năm (ngắn hạn), 14,6-17,5%/năm (trung và dài hạn).


Để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng, mới đây NHNN đã đồng ý “mở van” cho phát triển tín dụng bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ vốn giá rẻ cho khách hàng nằm trong diện được mua nhà ở xã hội, với gói vốn 20.000 - 40.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay chỉ ở mức 6%/năm. Bên cạnh đó, “room” tín dụng đối với lĩnh vực này cũng không còn bị khống chế như trước.


Theo các NHTM được NHNN tái cấp vốn cho vay mua nhà ở xã hội với mức lãi suất 6%/năm, các NH sẵn sàng tham gia chương trình này. Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, qua kết quả khảo sát của BIDV cho thấy, khả năng chịu đựng lãi suất của khách hàng có nhu cầu mua nhà ở xã hội chỉ 5 - 6%/năm. Do đó, nếu lãi suất 6%/năm, chắc chắn tín dụng nhà ở xã hội sẽ tăng mạnh.


Chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc NHNN cho các NHTM vay với lãi suất tái cấp vốn thấp để các ngân hàng cho khách hàng vay với lãi suất 6%/năm là phù hợp, nhưng NHNN nên đưa ra những tiêu chí minh bạch để tất cả ngân hàng đều có thể tiếp cận, không nên chỉ phân bổ cho các NHTM nhà nước. Đồng thời, NHNN cần có biện pháp kiểm soát để dòng vốn hỗ trợ đến đúng đối tượng, tránh tình trạng trục lợi chính sách, như từng xảy ra với chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất năm 2009.

 

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN