Nắn dòng vốn vào đúng “huyết mạch” của nền kinh tế

Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Can thiệp vào các thị trường tài chính vốn không phải lúc nào cũng được ngân hàng, người dân và các nhà kinh tế ưa thích, nhưng khi “con bệnh” đã lên “cơn sốt” thì việc kê đơn, bốc thuốc cho thị trường tài chính là giải pháp cần thiết. Thực tế cho thấy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đúng khi áp dụng các biện pháp “mạnh tay” với thị trường ngân hàng, ngoại hối và vàng. NHNN từng bước đã thuyết phục người dân tin rằng không thể để thị trường tài chính hoạt động “như cái chợ” khi áp dụng các biện pháp hành chính cần thiết trong lúc thị trường “ốm yếu” nhất. Từ đó, giúp các thị trường này dần dần đi vào ổn định và hoạt động lành mạnh hơn, lãi suất cho vay hạ dần từ tháng 10/2011, không còn hiện tượng chạy đua lãi suất huy động, thị trường ngoại hối và vàng đã không còn lên những “cơn sốt nóng” vào dịp cuối năm như các năm trước đây.

Để giúp độc giả có một cái nhìn tổng quan về thị trường tài chính ngân hàng trong năm qua, phóng viên Tin Tức đã có dịp trao đổi với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình xung quanh các giải pháp của NHNN trong năm 2011 và định hướng của ngành ngân hàng 2012.

Những khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới trong năm 2011 đã gây áp lực không nhỏ lên ngành ngân hàng trong năm qua, bên cạnh đó là những “ung nhọt” của ngành ngân hàng tồn tại đã lâu chưa được giải quyết triệt để. Xin Thống đốc cho biết ngành ngân hàng đã vượt qua những khó khăn này như thế nào?

Trong những tháng đầu năm, thị trường ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn do áp lực lạm phát dâng cao, hoạt động thanh tra, giám sát chưa quyết liệt, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm dẫn tới hiện tượng các tổ chức tín dụng (TCTD) sử dụng các biện pháp kỹ thuật để “lách” các quy định của NHNN, tạo ra sự méo mó trong số liệu về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản đã ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD khác, gây biến động trên thị trường liên ngân hàng và tạo ra dư luận không tốt đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống TCTD.

Thị trường vàng, ngoại tệ cũng nhiều lần lên “cơn sốt cao” do giá cả trên các thị trường thế giới có nhiều biến động, gây hoang mang cho người dân.

Để giải quyết những vấn đề trên, NHNN đã thực hiện mạnh mẽ các biện pháp điều hành nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%. Áp dụng trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm vượt trần lãi suất trên thị trường.

Từ tháng 10/2011 đến nay, lãi suất cho vay đã bắt đầu hạ dần, giảm tới 2% xuống còn 17-19%/năm. Lãi suất cho vay khác giảm khoảng trên 1%/năm. Cơ cấu tín dụng được điều chỉnh theo hướng tập trung cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; hạn chế cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất để đảm bảo tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực sản xuất.

Thanh khoản VND toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo. Từ tháng 10/2011, một số TCTD có khó khăn thanh khoản tạm thời do mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp, nhưng đã được NHNN hỗ trợ kịp thời thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi NHNN thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ.

Trong những năm tới, dịch vụ ngân hàng sẽ phát triển theo hướng tiếp cận nhiều hơn đến quyền lợi của người dân.


Việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kết hợp với việc thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô-la Mỹ của tổ chức và cá nhân tại TCTD đã góp phần giảm tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Đồng thời NHNN đã phối hợp với các cơ quan an ninh xử lý nghiêm các vụ giao dịch ngoại tệ trái phép. Các biện pháp trên đã góp phần ổn định thị trường ngoại hối, cải thiện thanh khoản ngoại tệ, tái lập thế cân bằng trên thị trường ngoại hối cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Trên thị trường vàng, NHNN kết hợp với các NHTM triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng như cấp quota cho các ngân hàng đủ điều kiện nhập khẩu vàng, từ đó góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới. Giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường, các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Đó là những việc ngân hàng đã làm được trong năm qua, đây sẽ là tiền đề để ngành ngân hàng tiếp tục hoạt động lành mạnh và hiệu quả trong năm tới.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2012. Để đối mặt với những khó khăn này, định hướng hoạt động của ngành ngân hàng trong năm tới như thế nào, thưa Thống đốc?

Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2012, theo đó tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khoảng 15 - 17%, NHNN sẽ điều hành các NHTM để đạt được mục tiêu đó, vừa để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát trong các năm tiếp theo nhưng đồng thời đảm bảo phát triển của nền kinh tế khoảng 6 - 6,5%.

Ngoài những chỉ tiêu được giao, trong lòng những người điều hành hệ thống ngân hàng như chúng tôi vẫn “canh cánh” một điều là làm thế nào để hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Đây là điều thực sự còn rất nhiều trăn trở vì lạm phát có giảm thì lãi suất mới giảm theo được. Lạm phát Việt Nam đã giảm nhưng luôn ở trạng thái rình rập leo lên. Hiện nay, dù tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn khó khăn, nhưng NHNN cũng lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho điều hành chính sách tiền tệ trong năm tới. Nếu thực hiện được, tôi cho rằng, lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng cuối năm 2012 cũng chỉ dao động trong khoảng 10%.

Bên cạnh đó, tín dụng vẫn sẽ ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, song sẽ mở rộng sang các đối tượng khác như lâm, thủy sản. Lĩnh vực ưu tiên thứ hai là xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ. Lĩnh vực thứ tư là dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo vốn lưu động. Các doanh nghiệp có lượng hàng tiêu thụ bình thường, đảm bảo vốn để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam cũng đang trong quá trình thực hiện chương trình tam nông, xây dựng nông thôn mới. Xin Thống đốc cho biết ngành ngân hàng sẽ ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực này như thế nào?

Trong các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu, tín dụng ngân hàng sẽ hướng tới xây dựng các cơ sở chế biến lúa gạo, nông thủy sản, chú trọng tạo ra hệ thống kho vận để sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn hơn. Hơn nữa, chúng ta đang tiến hành chương trình nông thôn mới, cơ giới hóa cũng như đưa công nghệ cao vào nông nghiệp thì hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng hướng vào đây để bà con nông dân không những sản xuất kinh doanh ổn định mà còn có thể nâng cao năng suất.

Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải bảo đảm dư nợ cho lĩnh vực nông thôn của NH này chiếm 75 - 80%, chúng tôi cũng khuyến khích các ngân hàng khác tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều hộ gia đình ở thành thị, khu công nghiệp có thu nhập trung bình, thấp cũng đang rất cần vay vốn để mua nhà ở thu nhập thấp; lĩnh vực này có được hệ thống ngân hàng xem xét tới trong năm 2012 không, thưa Thống đốc?

Trong năm 2012, NHNN cũng sẽ quy định cụ thể hơn trong việc cho vay phi sản xuất liên quan đến việc mua nhà ở của người có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị cũng như ở các khu công nghiệp. Đó cũng là lĩnh vực mà NHNN và hệ thống ngân hàng ưu tiên phát triển tín dụng trong năm 2012.

Về tín dụng đối với bất động sản và các lĩnh vực phi sản xuất khác, chúng tôi sẽ có quy định tỷ lệ nhất định với từng ngân hàng, tùy tình hình tài chính. Vừa qua, NHNN cũng loại một số đối tượng ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, gồm nhà ở hoàn thành trong năm 2012, cho người thu nhập trung bình, thấp. Ưu tiên đặc biệt cho nhu cầu xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên, phòng trọ công nhân các khu công nghiệp hoặc các khu định cư của thành phố khi giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, trong năm 2012, NHNN sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống, tránh rủi ro và giảm nợ xấu, ổn định và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, trước hết là thị trường liên ngân hàng, kể cả nội ngoại tệ, thị trường vàng.

Năm 2012 còn đặt ra một nhiệm vụ nặng nề đối với ngành ngân hàng là tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngân hàng, xin Thống đốc cho biết lộ trình thực hiện việc này?

Tái cấu trúc đang diễn ra không chỉ đối với ngành ngân hàng mà gần như toàn bộ nền kinh tế. Đối với NHNN, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo Đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Trong đó, NHNN sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển.

Việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng là một nội dung rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong nhiều năm.

Mục tiêu của việc tái cơ cấu này là xây dựng được hai nhà băng Việt Nam có đủ tiềm lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực. Ngoài ra hệ thống cần khoảng 10 - 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột trong nền kinh tế. Có thể chấp nhận các TCTD khác ở quy mô nhỏ hơn nhưng phải hoạt động lành mạnh. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ quan tâm hơn tới việc xây dựng các tổ chức tài chính vi mô, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Những bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã và đang được ngành ngân hàng triển khai thận trọng, đảm bảo an toàn. NHNN sẽ nỗ lực để đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động ngân hàng, nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN; đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống các TCTD.

Trân trọng cảm ơn Thống đốc!

Hữu Vinh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN