Kinh tế Eurozone: Khoảng sáng và bóng tối

Những số liệu gần đây nhất về Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã hé lộ những khoảng sáng về kinh tế khu vực này, đặc biệt sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiến hành gói nới lỏng định lượng (QE).

Đồng tiền euro với nhiều mệnh giá. Ảnh: AFP/TTXVN


Đây là kế hoạch thu mua 1,100 tỷ euro (tương đương 1.200 tỷ USD) trái phiếu của chính phủ và trái phiếu của lĩnh vực công trong khoảng thời gian kéo dài từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2016, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đưa Eurozone ra khỏi tình trạng thiểu phát.

Đan xen với những tín hiệu vui từ kinh tế Eurozone là bóng tối được hình thành từ khả năng vỡ nợ của Hy Lạp – một trong 19 thành viên Eurozone. Nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp đẩy Eurozone vào “nguy cơ Grexit”, có nghĩa là tình trạng buộc phải loại bỏ Hy Lạp ra khỏi khối.

Để tìm hiểu câu chuyện Eurozone, trong đó có thành viên Hy Lạp đang và sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, phóng viên đã phỏng vấn PGS.TS Đinh Công Tuấn, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Xin ông đánh giá một cách cụ thể về những khoảng sáng mà kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt được tính từ đầu năm đến nay?


Sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu công trị giá 1.100 tỷ euro bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2015 thì nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu khởi sắc.

Điều này được thể hiện qua những điểm sau. Thứ nhất là lòng tin của các nhà đầu tư và của người tiêu dùng đã được nâng cao. Theo con số mới nhất, chỉ số quản lý thu mua (PMI) tại Eurozone đã tăng lên 54 điểm trong tháng 3/2015, chứng tỏ niềm tin của người tiêu dùng đã tăng cao và đây là chỉ số rất quan trọng để đánh giá mức độ tăng trưởng kinh tế.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực trong tháng 3/2015 đạt khoảng 0,4% và theo dự kiến con số này cũng đạt 0,4% trong 4 tháng đầu năm 2015, sau khi ECB tung ra gói nới lỏng định lượng (QE). Thứ hai là hoạt động kinh tế, đặc biệt tại bốn nền kinh tế hàng đầu khu vực là Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy đều có dấu hiệu đi lên.

Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Markit, thì hoạt động kinh tế của Eurozone trong tháng 3/2015 tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm. Tháng 3 cũng là thời điểm ECB bắt đầu thực hiện gói QE. Vậy có quá sớm để đánh giá rằng kinh tế khu vực này khởi sắc từ tháng 3 là nhờ tác động của QE hay không?

Kinh tế Eurozone, tương đối ảm đạm trong năm 2014. Tăng trưởng kinh tế của khu vực ở dưới mức 1% và liên tục trong ba năm liền là lạm phát bằng không và đặc biệt trong quý II và quý IV/2014, giảm phát xuống 0,2%. Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường rất kém và làm cho thị trường đông cứng.

Nhằm phá băng cho thị trường, ECB đã tung ra gói nới lỏng định lượng và sau khi bơm 60 tỷ euro trong tháng 3, kinh tế khu vực đã le lói những điểm sáng. Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế này sẽ kéo dài từ giờ cho đến tháng 9 năm 2016 – gần 2 năm, mục tiêu là nâng mức lạm phát lên 2%.

Bởi thế cho nên, nếu nói kỳ vọng vào vấn đề này thì vẫn còn sớm, còn phải cần rất nhiều biện pháp và sự hoạt động đồng bộ của tất cả các chính phủ 19 nước trong Eurozone.

Lạm phát của Eurozone trên thực tế đã tăng, song vẫn ở mức âm 0,1% trong tháng 3/2015. Theo ông thì mục tiêu đẩy lạm phát trong khu vực lên mức 2% có nằm ngoài tầm tay với của ECB hay không, nhất là khi thất nghiệp vẫn là yếu điểm kinh tế châu Âu?

Khu vực đồng tiền chung châu Âu không phải đến năm 2015 mới bộc lộ ra những yếu kém mà suốt từ năm 2009 đến nay, vấn đề này luôn thường trực do tác động của khủng hoảng nợ công.

Sự yếu kém này bộc lộ ở những điểm sau. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thấp. Thứ hai là 3 năm liền lạm phát bằng 0, đặc biệt trong quý IV/2014 là lạm phát âm 0,2% và những điểm yếu khác như tỷ lệ thất nghiệp có những nước là 25-27%, ví dụ như Tây Ban Nha, Hy Lạp, con số này bình quân trên 10%, thậm chí 12%.

Theo những con số mới thống kê năm 2014, nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã lên tới 91%, đặc biệt Hy Lạp lên đến 177%, tương đương 330 tỷ euro. Chỉ trong vòng một tháng, dựa vào gói nới lỏng định lượng để nói rằng sẽ nâng được mức lạm phát lên 2% là không thể và cần phải có thời gian, phải có lộ trình và phải có sự phối hợp đồng bộ.

Hiện tại, ECB mới sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy, ổn định kinh tế vĩ mô, còn phải kết hợp chính sách kinh tế tài khóa cùng với các cải cách kinh tế khác thì mới có thể thúc đẩy nền kinh tế và đưa lạm phát lên 2%. Đây là một câu chuyện dài và cần phải có lộ trình.

Thưa TS Đinh Công Tuấn, những rắc rối hiện nay mà Hy Lạp phải đối mặt chủ yếu vì những nguyên nhân nào?

Hy Lạp là một “con bệnh” rất nặng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công xảy ra từ năm 2009, Hy Lạp luôn là nước bị nợ công nhiều nhất, thâm hụt ngân sách lớn nhất và là mắt xích yếu nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Kể từ khi chính quyền mới lên nắm quyền thì tình hình kinh tế Hy Lạp đã chuyển sang một xu hướng xấu hơn. Nếu Hy Lạp thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” theo bài thuốc mà Liên minh châu Âu cũng như bộ ba chủ nợ đặt ra thì dần dần họ sẽ có khả năng trả nợ.

Nhưng sau khi chính quyền mới lên, Thủ tướng đã đưa ra đường lối mới. Thứ nhất, họ tuyên bố xem xét lại chính sách “thắt lưng buộc bụng”, có thể chuyển sang chính sách phát triển kinh tế, tuyên bố xem xét lại tất cả các khoản nợ riêng đối với Hy Lạp.

Trong giai đoạn đầu, Thủ tướng Đức, bà Merkel nói nếu Hy Lạp không thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, không trả được nợ thì Hy Lạp có thể bị đẩy ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, vừa qua, sau ý kiến tham gia của Mỹ rằng nên để Hy Lạp tiếp tục tham gia khu vực đồng tiền chung, các nước trong khu vực đồng euro cũng đang có tinh thần đồng thuận, cố gắng trợ giúp cho Hy Lạp.

Hiện nay, Hy Lạp đang cố gắng thực hiện một số điểm mà bộ ba chủ nợ đặt ra nhưng vấn đề nợ nần của Hy Lạp cũng là một vấn đề hết sức khó khăn.

Theo ông, có bao nhiêu phần trăm Hy Lạp rơi vào cảnh vỡ nợ trước tháng 6/2015, với khoản nợ phải trả cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang treo lơ lửng và ngân khố cạn kiệt? Và nếu thực sự bị vỡ nợ, Eurozone sẽ phải có hành động gì đối với Hy Lạp?

Nếu xét về thực lực mà nói thì 100% Hy Lạp không có khả năng trả nợ. Vì số tiền nợ lên đến 330 tỷ euro, 177% GDP, gần như lớn nhất thế giới. Vậy trả nợ thì trông vào điều gì? Kêu gọi chính quyền địa phương góp nợ cũng đang gây phân tán.

Vấn đề là trong khu vực đồng tiền chung châu Âu 19 nước phải họp bàn với nhau. Châu Âu đề nghị Hy Lạp phải thông qua chương trình cải cách kinh tế, đặc biệt về vấn đề thuế và cải cách thị trường lao động để bộ ba chủ nợ có thể xem xét và có thể hoán nợ hoặc đảo nợ cho Hy Lạp.

Bởi thế cho nên riêng đối với Hy Lạp, việc có trả nợ được hay không thì còn phụ thuộc vào rất nhiều điều, thứ nhất là phụ thuộc vào Hy Lạp, thứ hai phụ thuộc vào những người cho vay và thứ ba là phụ thuộc vào cả khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Nếu Hy Lạp vỡ nợ thì hệ lụy của nó là rất lớn. Bởi vì con đường 60 năm xây dựng ngôi nhà chung trong đó có liên minh kinh tế tiền tệ có đồng tiền chung sẽ gây ra một phản ứng domino rất lớn. Cho nên những nước lớn đặc biệt là Đức, Pháp cũng xem xét đến vấn đề này.

Bởi thế cần phải động viên Hy Lạp tiến hành cải cách theo lộ trình mà họ đã thực hiện. Còn nếu Chính phủ Hy Lạp vẫn tiếp tục đi theo con đường chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng”, không đưa ra chương trình cải cách kinh tế, không đưa ra chương trình cải cách thuế cũng như thị trường lao động mà không có tiền trả thì tôi cho rằng kịch bản xấu nhất Hy Lạp sẽ phải đi ra khỏi khu vực đồng tiền chung.

Đến lúc đó, các nước trong euro 19 sẽ phải xây dựng lại kịch bản không có Hy Lạp, rồi ảnh hưởng gì cho các nước khác, cho EU 29 cũng như cả đến euro 19 và ảnh hưởng đến thế giới ra sao. Hiện nay cuộc họp thượng đỉnh mới đây nhất các nước trong EU với khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn rất muốn Hy Lạp tiếp tục tham gia khu vực đồng tiền chung và tiến hành cải cách theo bài thuốc mà EU đã đặt ra.

Ông dự báo thế nào về tương lai của kinh tế Eurozone khi khoảng tối từ Hy Lạp chưa có cách nào giải quyết? Liệu sức mạnh của 18 nền kinh tế thành viên còn lại trong Eurozone có đủ sức giúp khu vực này lấy lại phong độ và ổn định hơn trong năm nay và năm tới hay không?

Gói nới lỏng định lượng (QE) mà ECB đưa ra là giải pháp rất tốt trong giai đoạn hiện nay, có nhiệm vụ tạo sóng trong hoạt động kinh tế. Thứ nhất là, người tiêu dùng có niềm tin và người sản xuất vẫn tiếp tục sản xuất, thúc đẩy đầu tư, thương mại, làm cho tỉ giá đồng tiền euro xuống thấp.

Đồng tiền rẻ sẽ làm thúc đẩy xuất khẩu, từ đó làm tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, lãi suất thấp tạo hứng khởi cho các doanh nghiệp và cho người vay tiền để thúc đẩy sản xuất. Nhưng chính sách tiền tệ mới chỉ là một mà đòi hỏi kết hợp với chính sách tài khóa, phải thực hiện cả cải cách kinh tế, rồi đến thị trường lao động, thị trường đầu tư và thị trường thương mại.

Tất cả các vấn đề cộng lại thì khu vực đồng tiền chung châu Âu mới có thể lấy lại thế thượng phong như những thập kỷ trước của khu vực. Vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế khá hơn của Eurozone, khi nền kinh tế thế giới đã có khởi sắc.

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu sẽ tăng gấp đôi so với 2014, tức là đạt 1,5% năm 2015 và 1,6% năm 2016. Đạt được những con số ấy là những điểm tôi cho rằng phải hết sức cố gắng của Liên minh châu Âu và muốn nâng được lạm phát từ âm 0,2% lên 2% thì đó là một bài toán vô cùng khó khăn.

Xin cám ơn ông!


Trang Nhung (thực hiện)
Nợ công Eurozone lên cao kỷ lục
Nợ công Eurozone lên cao kỷ lục

Tính đến cuối năm 2014, nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên tới 91,9% Tổng sản phẩm nội khối (GDP), mức cao nhất kể từ khi lưu hành đồng euro vào năm 1999.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN