Kiểm soát thu nhập của chủ tài khoản bán hàng trên mạng ra sao?

Nhiều người đặt câu hỏi, khi kinh doanh online trên mạng Facebook nhưng người bán lại giao dịch ở chế độ “ẩn”, vậy ngành thuế sẽ kiểm soát nguồn thu của các chủ tài khoản như thế nào?

Theo Cục thuế TP.Hồ Chí Minh, bước đầu, cơ quan thuế sẽ chủ yếu tập trung, rà soát những Facebook có hoạt động kinh doanh thường xuyên, doanh thu lớn. Đối với người có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ thực hiện đóng thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp doanh thu dưới 100 triệu đồng sẽ chỉ đóng thuế môn bài.

Trào lưu bán hàng qua Facebook đang nở rộ vì tính tương tác cao, chi phí bán hàng giảm. Ảnh minh họa: Minh Phương/Tin Tức.

Để có thể kiểm soát được mức thu nhập thật của các chủ tài khoản kinh doanh trên mạng, bà Tạ Thị Phương Lan- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết: Đối với các cá nhân kinh doanh ở Việt Nam, thông thường không có sổ sách, hóa đơn, chứng từ. Các cá nhân này thường hoạt động kinh doanh trực tiếp trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nên việc thanh toán bằng tiền mặt là rất phổ biến. Do vậy, ngành thuế hiện quản lý thuế các cá nhân kinh doanh theo hình thức doanh thu khoán.

“Chúng tôi dựa trên các yếu tố chi phí của cá nhân như: địa điểm, lao động, điện, nước và các yếu tố tối thiểu, từ đó xác định được chi phí tối thiểu và doanh thu tối thiểu của cá nhân kinh doanh, từ đó đưa ra mức khoán”, bà Lan nói.

Với những cá nhân hoạt động kinh doanh trên Facebook, mặc dù quảng bá, bán hàng trên Facebook nhưng chắc chắn, các cá nhân này cũng phải sử dụng những dịch vụ như chuyển phát hàng hóa, thanh toán qua ngân hàng hoặc thanh toán thông qua các chủ hàng khác cung cấp hàng cho cá nhân. Đây là các yếu tố ngành thuế sẽ phải kiểm soát để xác định được doanh thu của một cá nhân kinh doanh trên các tài khoản mạng xã hội.

Mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước để bàn các giải pháp quản lý vấn đề này, sẽ phải sửa đổi các chính sách tổng thể, tiến tới việc quản lý mang tính chủ động như khấu trừ thuế tại nguồn, hay các hình thức trích nộp tự động từ các cơ quan quản lý Nhà nước khác khi các cá nhân có vi phạm về thuế. "Ngành thuế cũng sẽ chủ động kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể và sẽ có các yêu cầu cụ thể tới các cơ quan chức năng, trong đó có cả yêu cầu khóa tài khoản facebook của các cá nhân có vi phạm", đại diện Tổng cục thuế nói.

Tuy nhiên, không ít các chuyên gia quản lý kinh tế băn khoăn: Việc khóa tài khoản Facebook là việc làm không hề đơn giản. Còn ngành thuế đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi kiểm soát, thu thuế hoạt động bán hàng trên mạng vì hoạt động bán lẻ tại nước ta chủ yếu đang sử dụng tiền mặt.

“Để hướng tới việc thanh toán điện tử như ở các nước trên thế giới, không dùng tiền mặt thì việc thanh toán  online phải được hỗ trợ và tạo sự thuận tiện tối đa cho người sử dụng, từ mua hàng online cho đến mua sắm trực tiếp đều có thể thanh toán điện tử, thậm chí sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cũng chẳng cần dùng đến tiền mặt. Còn khi muốn rút một lượng tiền lớn khỏi ngân hàng sẽ phải khai báo mục đích sử dụng rất cụ thể”, Thạc sỹ ngành quản lý Phan Tất Đức nói.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Ngành thuế 'ra tay' kiểm soát kinh doanh trên Facebook
Ngành thuế 'ra tay' kiểm soát kinh doanh trên Facebook

Theo Tổng cục Thuế, về nguyên tắc, các chủ tài khoản mạng xã hội (Facebook) có kinh doanh thường xuyên phải kê khai thuế. Việc thu thuế qua các website thương mại điện tử như Facebook hoàn toàn có cơ sở nhưng chắc chắn sẽ có phản ứng từ dư luận, nhất là loại hình kinh doanh này mang tính thời vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN