Khơi nguồn cung tiền cho sản xuất kinh doanh

Khơi nguồn cung tiền cho sản xuất kinh doanh

Ngay trong những ngày đầu quý II/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2011 theo hướng thắt chặt tiền tệ, đúng như tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Theo đó, các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, trong đó phải tính tới cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá. Điều này cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc điều hành giảm cung tiền nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lại lo ngại rằng, cung tiền giảm sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Rà soát gỡ “nút thắt”

Theo số liệu từ NHNN, trong quý I/2011, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế tăng 3,67%, trong đó tín dụng nội tệ tăng 1,43%, tín dụng ngoại tệ tăng tới 12,06%, một phần do đợt tăng tỷ giá vừa qua. Theo quy định hiện hành, ngân hàng cho vay bằng ngoại tệ, nhưng khi quyết toán sổ sách phải quy đổi ra tiền đồng theo tỷ giá liên ngân hàng. Vì vậy, đợt tăng tỷ giá 9,3% hồi tháng 2/2011 sẽ khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ (đã quy đổi ra tiền đồng) tăng thêm khoảng 7,3%. Với yêu cầu mới của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ không được tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và phải cắt giảm cho vay nhiều hơn trước.Trong trường hợp không đảm bảo tỷ lệ theo đúng lộ trình, ngân hàng sẽ bị phạt bằng cách áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần thông thường và hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Bên cạnh đó, cùng với yêu cầu rà soát tốc độ tăng trưởng nói chung, NHNN cũng yêu cầu các NHTM giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay phi sản xuất. Theo yêu cầu này, đến ngày 30/6, các ngân hàng phải giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống tối đa 22% tổng dư nợ và tỷ trọng này đến cuối năm chỉ là 16%.

Nhìn từ những con số trên, nhiều chuyên gia nhận định: Quý I/2011, tăng trưởng dư nợ (cho vay) của hệ thống NHTM khá chậm và nhiều dự báo tăng trưởng dư nợ vẫn khó có thể cải thiện trong 2 quý đầu năm 2011. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, thực hiện chỉ đạo của NHNN hiện nay ở các ngân hàng quy mô nhỏ, do tỷ lệ dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực phi sản xuất chiếm phần lớn trong tổng dư nợ nên đang phải từng bước cơ cấu lại tín dụng. Tại văn bản mới đây, NHNN quy định cụ thể cho vay lĩnh vực phi sản xuất bao gồm: Cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán; cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản; cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Đồng thời, thực hiện chủ trương kiểm soát dư nợ dưới mức 20% trong năm nay và thu hẹp dần tín dụng phi sản xuất nên các ngân hàng nhỏ sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng trong thời gian từ nay đến tháng 6/2011. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho cả những ngân hàng lớn trong những tháng tới. Đây chính là những “nút thắt” đang được các ngân hàng rà soát nhằm tháo gỡ.

Bên cạnh kênh huy động truyền thống là vay vốn từ ngân hàng, thì trong những năm gần đây thị trường chứng khoán (TTCK) cũng dần trở thành kênh dẫn vốn cho nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng. Tuy nhiên thời điểm này TTCK cũng đang trong giai đoạn “lình xình”. Theo Ủy ban Chứng khoán (UBCK), huy động vốn qua TTCK trong quý I/2011 giảm 50% so với cùng kỳ năm 2010 và giảm 70% so với cùng kỳ năm 2009. Theo số liệu của UBCK, tính đến ngày 22/3/2011, giá trị đấu thầu trái phiếu đạt 16.942 tỷ đồng, huy động qua phát hành đạt 3.816 tỷ đồng, đấu giá cổ phần hóa đạt hơn 81 tỷ đồng. Lãi suất ngân hàng tăng cao khiến phát hành trái phiếu chính phủ cuối tháng hai, đầu tháng ba liên tục thất bại. Chỉ số chứng khoán sụt giảm và thiếu ổn định, triển vọng thị trường năm 2011 có nhiều khó khăn nên nhiều DN đã phải hủy hoặc hoãn các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Theo các chuyên gia, thời điểm này, thị trường ảm đạm, nếu phát hành sẽ khó thu hút nhà đầu tư mua, nhưng để kịp chớp cơ hội thị trường hồi phục, DN vẫn nên đưa ra kế hoạch tăng vốn vào nội dung họp các kỳ đại hội cổ đông năm nay để dự phòng.

Chủ động tìm nguồn tiền

Tại phiên họp Thường kỳ của Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc kéo dài lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, vì vậy thời gian kiềm chế lạm phát nên được rút càng ngắn càng tốt, khi đó lãi suất mới có thể hạ nhiệt. Trong thời gian tới sẽ phải có biện pháp để kéo giảm dần lãi suất xuống.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, NHNN đã yêu cầu các NHTM điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cơ cấu tín dụng để tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ... Vì vậy, việc giảm lãi suất trong thời gian tới đối với DN khu vực sản xuất có thể diễn ra sớm. Đồng thời các ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ vay theo hướng chọn lọc kỹ khách hàng mới nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát tín dụng của NHNN. Theo một thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, đây là thời điểm các DN phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh của mình để tránh rủi ro thị trường lẫn rủi ro về lãi suất.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, khả năng lãi suất giảm vào đầu quý III tới là khả thi. Bởi khi kiềm chế được sự biến động bất thường của USD, quyết liệt chống tình trạng đô la hóa và kiểm soát được thị trường ngoại tệ chợ đen, thì cơ hội giảm lãi suất VND là rất lớn và lãi suất tiền đồng có khả năng sẽ giảm vào cuối tháng 6/2011. Lúc này, dư nợ tín dụng sẽ có cơ hội cải thiện tốt hơn so với hiện nay. Hơn nữa, đến một lúc nào đó các ngân hàng cũng buộc phải giảm lãi suất cho vay để phát triển tín dụng trước áp lực lợi nhuận lớn trong năm tài chính.

Điều này bước đầu được nhìn nhận ở việc nhiều NHTM cũng đã công bố kế hoạch bơm vốn tín dụng cho khu vực sản xuất. Đại diện VietinBank cho biết sẽ dành 20.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh công nghiệp phụ trợ của 3 ngành là cơ khí chế tạo, dệt may và da giày. Trong đó tập trung cho vay với những DN thực hiện các dự án mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư xây dựng mới vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Bên cạnh đó các ngân hàng cổ phần cũng tìm nguồn vốn rẻ dài hạn từ các định chế tài chính nước ngoài để đảm bảo nguồn cung vốn cho thị trường. Ngày 30/3, Ngân hàng Sacombank cũng đã ký với Định chế tài chính hỗ trợ phát triển Hà Lan (FMO) hợp đồng vay vốn cấp 2 trị giá 150 triệu USD với thời hạn vay 10 năm nhằm hỗ trợ tài chính cho DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, để giải quyết nhu cầu khan vốn của DN, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi cho những khách hàng chuyên biệt từng ngành nghề.

Trong bối cảnh kênh tín dụng từ ngân hàng gặp nhiều khó khăn, bản thân các DN cũng đã chủ động tìm nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài, phát hành thêm trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường. Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú đang xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 900 tỷ đồng bằng cách không phát hành cho cổ đông hiện hữu mà phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với giá rất cao so với thị giá trên sàn. Trong đó, 200 tỷ đồng được phát hành cho một quỹ đầu tư Hồng Công bằng trái phiếu chuyển đổi. Cổ phiếu phát hành thêm đang được hai nhà đầu tư Nhật Bản chào mua. Một DN cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2011 được nhiều nhà đầu tư quan tâm là Vinaconex. Trong cuộc họp Hội đồng quản trị Tổng công ty ngày 24/3, Tổng công ty này dự kiến tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tăng vốn từ 4.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng bằng cách bán cho đối tác chiến lược để thu thặng dư. Tuy nhiên, có thể nhận thấy tỷ lệ các công ty có triển vọng trong huy động vốn qua TTCK không nhiều.

Giảm chi tiêu công cũng là một trong những giải pháp để sử dụng vốn hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Ông Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định: Tại Việt Nam hiện nay, chi tiêu công đang chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng vốn đầu tư (50%), trong đó có một lượng nhất định bị thất thoát, lãng phí và được đổ vào thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng...) thay vì đổ vào sản xuất, kinh doanh. Để xử lý những vấn đề này, trước hết cần phải tìm mọi cách giảm chi tiêu công... Cũng cần dựng hàng rào kỹ thuật với quy chuẩn an toàn cao nhằm siết chặt hoạt động ngân hàng, thậm chí để các ngân hàng nhỏ phải sáp nhập lại, nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống, tránh tình trạng thị trường trở nên méo mó vì phải cạnh tranh không lành mạnh, không cân sức.

Theo Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để giảm mặt bằng lãi suất, nắn dòng chảy vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, chỉ riêng ngân hàng nỗ lực chưa đủ mà phải có sự hợp sức từ phía DN. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngân hàng không cho vay bằng mọi giá, chính những khách hàng tốt, dự án tốt sẽ là động lực khơi thông dòng tín dụng cho các ngân hàng một cách lành mạnh.

Lan Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN