Hỗ trợ xuất khẩu, nhập khẩu thận trọng

Xét về mặt tổng thể, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: Tỷ giá tăng thêm 1% sẽ hỗ trợ một phần xuất khẩu; góp phần giảm nhập siêu vì chi phí nhập khẩu đội lên, các doanh nghiệp sẽ phải thận trọng, tính toán nhập hàng sao cho hợp lý.

Hiệu ứng không đồng đều


Một số chuyên gia thương mại cho rằng: 90% hợp đồng xuất khẩu thủy sản được thanh toán bằng USD. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi nhưng chủ yếu là những mặt hàng xuất sang Mỹ. Còn tại Nga, Nhật, châu Âu, doanh nghiệp không được lợi.

Dây chuyền sản xuất quần áo xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Theo ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, do biến động tỷ giá của một số đồng ngoại tệ thời gian qua đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm. Để duy trì doanh số, công ty chỉ tập trung mặt hàng giá trị gia tăng để giữ hợp đồng với một số thị trường khó tính.

“Từ cuối năm 2014 đến nay, tại Nhật Bản, tỷ giá đã giảm từ 15 - 22%; tại châu Âu giảm trên 20% nên nhiều nước đã buông lỏng chính sách tỷ giá, phá giá đồng nội tệ khiến giá bán của họ cạnh tranh hơn so với hàng Việt Nam xuất khẩu. Trong khi, Việt Nam lại neo mãi giá USD nên giá hàng xuất của Việt Nam đã đứng ở mức cao. Vì vậy, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hợp lý”, ông Phục nói.

Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%, lên 21.673 đồng/USD kể từ ngày 7/5. Với mức tăng này, các ngân hàng được ấn định giá mua/bán USD cao nhất là 21.890 đồng/USD, thấp nhất là 21.456 đồng/USD.

“Tuy nhiên, nếu đối tác nước ngoài chốt giá rồi và họ không yêu cầu giảm giá thì Việt Nam có lợi khi hợp đồng giao dịch bằng USD. Nếu hợp đồng xuất khẩu là euro, yên Nhật thì thiệt thòi”, ông Lực nói.

Đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng: Việc Nhà nước phá giá VND 2% từ đầu năm đến nay có nhiều tích cực đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và với thủy sản nói riêng.

Tuy nhiên, mức phá giá này chưa đủ để giúp doanh nghiệp cạnh tranh được với các quốc gia xuất khẩu khác. Nhiều doanh nghiệp tôm vẫn đang gặp khó khăn vì không thể giảm giá tương đương, sức cạnh tranh chưa được cải thiện nên hàng tồn kho cao.

Theo Bộ Công Thương, quý I/2015, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 1,65 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân chính là do đồng USD tăng giá so với đồng euro, yên Nhật, won Hàn Quốc...

Tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay: Đến hết tháng 4/2015, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 1,9 triệu USD, trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 19% tổng giá trị xuất khẩu.

“Việc NHNN chủ động điều chỉnh tỷ giá thêm 1% đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản thời gian tới. Tuy nhiên không phải tất cả thị trường mà chỉ chủ yếu ở các doanh nghiệp xuất sang Mỹ, còn các doanh nghiệp xuất các thị trường khác như: Nga, Nhật, EU... không hưởng lợi từ việc điều chỉnh này”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep nhận xét.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ xuất khẩu dù tỷ giá tăng, phần lớn do cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở những ngành như dệt may, da giày vẫn bị phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp cho rằng: cơ quan chức năng đang rất khó khăn tìm chính sách hay biện pháp giúp doanh nghiệp.

“Thực tế không dễ dàng thuyết phục đối tác trả ngoại tệ có lợi cho hoạt động sản xuất của đơn vị mình. Biện pháp cấp bách lúc này là doanh nghiệp phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí, cân đối sản xuất, kinh doanh hợp lý nhằm hạ giá thành sản phẩm, từng bước cân đối được chi phí đầu vào đầu ra giảm bớt tối đa thiệt hại về sự biến động tỷ giá”, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Dương nhấn mạnh.

Chi phí nhập khẩu tăng


Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, về phía kinh tế vĩ mô, việc tăng thêm tỷ giá sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp nhập khẩu tăng, gây khó khăn cho khối doanh nghiệp nhập khẩu.

“Ngành nông nghiệp đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, sau mỗi lần tỷ giá tăng, gánh nặng chi phí sẽ lại đổ dồn lên vai người nông dân... Đợt điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% của ngân hàng mới đây, người nông dân sẽ lại “méo mặt” vì chi phí”, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng đánh giá.

Vì vậy, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu cho rằng: Ngoài việc nới tỷ giá Nhà nước cần có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bộ khác như giảm lãi suất cho DN và nông dân để nâng cao sức cạnh tranh cho sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản.

Đồng USD tăng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phụ thuộc vào nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại thị trường, định hướng chiến lược cho thời gian tới. Bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc tăng giá bán do giá nhập khẩu cao sẽ khiến doanh nghiệp khó bán hàng.

Một số doanh nghiệp cho rằng: Ngoài việc chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với đối tác nhằm giữ được thị trường cũng như đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải tiết giảm và siết chặt mọi chi phí sản xuất để có giá thành tốt nhất mới có khả năng cạnh tranh nổi với các quốc gia có cùng mặt hàng xuất khẩu như chúng ta; cần linh hoạt điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu nếu không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó.


Minh Phương - Lê Nghĩa


Xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh đến năm 2020
Xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh đến năm 2020

Xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu ước tính sẽ tăng thêm 75% đến năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN