Gương sáng cán bộ ngân hàng

Dù thứ bảy hay chủ nhật, không quản ngại mưa nắng, bão lụt, cứ đến ngày hẹn với người dân, những cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lại lên đường về cơ sở, giúp đồng bào tiếp cận với vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.

Hết mình với công việc

Trời đã đứng bóng về trưa, tại trụ sở UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), các cán bộ NHCSXH vẫn đang nhiệt tình hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn. Chị Lưu Thị Nhi, Giám đốc Phòng giao dịch Liên Chiểu chia sẻ: “Tuy vất vả nhưng mà vui. Cứ giải ngân được cho hộ vay, nhìn bà con vui mừng thì mình cũng vui theo, quên cả mệt và đói”.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tĩnh Gia kiểm tra, động viên hộ nghèo sử dụng vốn vay hiệu quả.



Dù ở cương vị lãnh đạo, song chị Nhi có mặt trong tất cả hoạt động của Phòng giao dịch tại cơ sở. Từ họp xét duyệt đối tượng vay, giao ban tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), cùng cán bộ tín dụng kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay... đến các buổi giải ngân, thu nợ, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thu và xử lý nợ xấu, nợ khó đòi.

Khi chúng tôi xuống thì buổi họp giữa Phòng giao dịch Liên Chiểu với lãnh đạo địa phương và các tổ trưởng tổ TK&VV cũng vừa xong. Ông Tô Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban giảm nghèo phường Hòa Khách Bắc cho biết, chị Nhi rất nhiệt tình, bám sát với cơ sở trong các hoạt động cho vay vốn hộ nghèo; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để cập nhật tình hình vay, sử dụng vốn, tạo mọi điều kiện để các đối tượng ưu tiên tiếp cận vốn vay. Nhờ đó, những năm qua, số hộ nghèo của địa phương đã giảm đáng kể.

Ở phường Hòa Khánh Nam, bà Nguyễn Thị Nga, thuộc một trong những hộ nghèo của tổ 15 cũng bày tỏ, nhờ vay vốn của NHCSXH nên gia đình bà từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên làm ăn và có cuộc sống ổn định. Bà Nga chia sẻ: “Trước đây gia đình nghèo lắm, không có vốn để làm ăn. Thế những nhờ sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền, sự động viên, giúp đỡ của NHCSXH, nhất là cán bộ Nhi nên tôi đã mạnh dạn tiếp cận vốn vay mở quầy tạp hóa để buôn bán... và có được cuộc sống no đủ như hôm nay”.

Giám đốc Lưu Thị Nhi (giữa) kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn tại Làng nghề nước mắm Nam Ô.



Là người đi sâu đi sát với người nghèo, những năm qua Lưu Thị Nhi nắm vững địa bàn, hiểu rõ thực trạng khó khăn của đơn vị đã tham mưu kịp thời cho Quận ủy Liên Chiểu để ban hành văn bản chỉ đạo công tác kiện toàn tổ TK&VV. Tham mưu cho Ban đại diện chỉ đạo quyết liệt công tác huy động tiết kiệm qua tổ vay vốn hiệu quả, chất lượng; thực hiện tốt công tác thực hiện phương án xử lý nợ tồn đọng; xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra giám sát hàng năm hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến tổ, hội, hộ vay nắm vững chủ trương, chính sách của Nhà nước; phân bổ chỉ tiêu nguồn vốn cho các phường trên địa bàn. Để có nguồn vốn phục vụ người nghèo, chị Nhi còn trình xin nguồn vốn ủy thác của quận, tham gia xây dựng quy chế ủy thác cho vay vốn quận và đã được UBND quận tin tưởng chuyển nguồn 400 triệu đồng để cho vay đối tượng hộ nghèo của quận.

Chị Nhi còn tham gia thực hiện sáng kiến “Giải pháp huy động tiết kiệm qua tổ vay vốn”. Từ một địa phương rất yếu trong huy động vốn, thế nhưng sau khi triển khai thực hiện, công tác huy động vốn trên địa bàn từng bước được cải thiện đáng kể. Đến nay có 218/218 tổ được triển khai, đạt 100% số tổ có số dư tiết kiệm; số hộ tham gia tiết kiệm trên 10.004 hộ, tỷ lệ hộ tham gia trên 96% số hộ vay. Các chỉ tiêu khác cũng đều hoàn thành xuất sắc như: tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, chỉ còn 0,28% vào thời điểm 31/12/2014; công tác thu lãi đạt 100% kế hoạch; 100% tổ TK&VV đạt khá và tốt, không còn tổ trung bình, yếu kém.

Bạn đồng hành của người nghèo

Gần 30 năm trong nghề, chị Trần Thị Hà, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vẫn miệt mài, nhiệt huyết với công việc “đem tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ”.

Năm 2003, NHCSXH được thành lập, chị Hà được chuyển từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về làm Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tĩnh Gia. Ngay từ buổi đầu thành lập, khó khăn thiếu thốn nhiều bề, nhưng sự tâm huyết với nghề đã trở thành động lực phát huy nội lực của cả hệ thống NHCSXH để đạt được thành quả như ngày hôm nay. Hơn 12 năm qua, chị Hà đã cùng tập thể Phòng giao dịch bền bỉ đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với những hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn.

Trước câu hỏi “tế nhị” của phóng viên rằng gắn bó lâu với một công việc như vậy có lúc nào chị cảm thấy mệt mỏi không?, chị Hà tâm sự: “Mệt mỏi sao được, càng nhiều năm trong nghề lại càng thấy vinh dự, nhất là khi thấy niềm vui của người nghèo có vốn vay đầu tư vào sản xuất, rồi được mùa mang tiền trả nợ ngân hàng đúng hạn”.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của người nghèo là thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm làm ăn và hay mặc cảm với số phận nên chị đã tham mưu cho Ban đại diện NHCSXH huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động của Phòng giao dịch sát với tình hình thực tế và thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể trong hoạt động ủy thác vốn vay, đồng thời, chị động viên cán bộ viên chức trong đơn vị nhiệt tình công tác, chủ động đến với người nghèo để tuyên truyền, giải thích cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiểu về mục đích, ý nghĩa hoạt động của NHCSXH là mang tính nhân văn, vì an sinh của cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của bà con trong việc trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn, tạo điều kiện cho người nghèo khác có cơ hội được vay vốn để thoát nghèo.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tiếp cận vốn ưu đãi, chị Hà không quản ngại khó khăn, thường xuyên cùng với cán bộ tín dụng bám sát địa bàn, trực tiếp thẩm định và giải quyết kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con theo đúng quy trình cho vay quy định, sử dụng vốn và trả lãi, trả nợ tại xã, kể cả những nơi xa xôi cách trở như Phú Sơn, Cát Sơn, Nguyên Bình, Hải Yến... Chính sự nhiệt tình, tận tâm, tận lực vì công việc, vì người nghèo của chị không những đã làm gương cho cán bộ viên chức trong Phòng giao dịch luôn nỗ lực hết mình vì hộ nghèo, mà còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, các địa phương ở cơ sở.

Đến nay tổng dư nợ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tĩnh Gia đạt hơn 382 tỷ đồng với hơn 21.000 hộ còn vay vốn. Đồng vốn vay đã phát huy hiệu quả, giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,25%; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện Tĩnh Gia đạt trung bình 3%/năm...

Nhờ sự nỗ lực, đoàn kết trong 12 năm qua, NHCSXH huyện Tĩnh Gia được cấp trên ghi nhận là 1 trong các đơn vị tốp đầu của chi nhánh tỉnh Thanh Hóa và cá nhân chị Giám đốc hàng năm đều được khen thưởng. Nhưng phần thưởng lớn hơn cả đối với chị và các cán bộ Phòng giao dịch chính là niềm tin yêu của các hộ nghèo, đối tượng chính sách đối với NHCSXH.

Bài và ảnh: Công Thái - Khánh Phương

Phát triển bền vững Ngân hàng Chính sách xã hội
Phát triển bền vững Ngân hàng Chính sách xã hội

Phát triển bền vững Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là chủ đề cuộc hội thảo do VBSP và Tạp chí Ngân hàng tổ chức ngày 25/9, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN