Giảm lãi vay, vốn vẫn khó vào doanh nghiệp

Các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đã hạ lãi suất cho vay bên cạnh việc giảm lãi suất huy động theo quy định của NHNN. Đây tín hiệu tích cực để doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận vốn.

Hy sinh lợi nhuận, chia sẻ với DN


Kể từ tháng 11/2014, Ngân hàng BIDV đã giảm lãi suất cho vay ở các kỳ hạn với mức giảm từ 0,5% đến 0,8%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn của 5 đối tượng ưu tiên: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; dự án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; DNNVV; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được giảm từ 8% xuống còn 7%/năm.

Khách hàng giao dịch tại Hong Leong Bank chi nhánh Hà Nội.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Ngân hàng Agribank cũng đã áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác tối đa là 10,5%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên từ 8,5- 10%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác là 10- 12%/năm. Vietcombank cũng đã áp dụng trần lãi suất cho vay VND trung dài hạn 10%/năm đối với các đối tượng ưu tiên (trước là trên 10%/năm)…

Chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Hoàng Ngân cho rằng: Sự mong đợi của các nhà sản xuất kinh doanh hiện nay là nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất cố định thấp, ở mức 5- 6%/năm, cùng lắm là 7% để doanh nghiệp có thể đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, tạo được sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập…

"Với mức giảm trên, lợi nhuận của các NHTM sẽ giảm nhưng chúng tôi cố gắng tiết giảm chi phí thường xuyên để bảo đảm lợi nhuận và chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp”, bà Bùi Như Ý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank nói. Còn theo ông Nguyễn Danh Lương, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, từ khi chưa có chỉ đạo của NHNN, Vietcombank đã xác định là trụ cột cho NHNN cố gắng đảm bảo được các chỉ tiêu để có thể hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Agribank cho hay: Mặc dù các khoản huy động vốn kỳ hạn dài, lãi suất cao còn số dư khá lớn dẫn tới lãi suất huy động bình quân của Agribank còn khá cao, chưa giảm ngay như lãi suất cho vay, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của Agribank. Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng việc giảm lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn đã làm giảm lợi nhuận của Agribank khoảng 2.000 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, khuyến khích tăng trưởng dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên, từ đầu năm Agribank đã thực hiện 7 đợt giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các hợp đồng cũ.

Giảm lãi suất vẫn chỉ là nhỏ giọt


TS Trần Du Lịch nhìn nhận: Việc NHNN kêu gọi giảm lãi suất cho vay là đáng mừng. Đặc biệt, việc giảm lãi suất trung hạn là rất cần thiết để kích thích và giúp doanh nghiệp tái đầu tư. Nếu tiếp tục duy trì mức lãi suất trung hạn trên 10% thì sẽ không kích thích được doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, hiệu ứng của việc giảm lãi suất vẫn còn có độ trễ.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, giảm lãi suất sẽ giảm áp lực vay cho doanh nghiệp, khơi thông tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc thù các doanh nghiệp Việt Nam là nguồn vốn vay khá lớn, nếu giảm khoảng 0,5% đã có thể giúp doanh nghiệp đáng kể chi phí.

“Với mặt bằng lãi suất mới, chắc chắn doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn khi tiết giảm thêm được chi phí và tăng điều kiện tiếp cận vốn. Riêng việc giảm lãi vay trung, dài hạn, mức áp trần 10%/năm là rất đáng chú ý”, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV.

Tuy vậy, trước động thái giảm lãi suất, một số doanh nghiệp lại tỏ ra không mặn mà, nhất là những DNNVV. Họ cho rằng, mức giảm hiện nay chỉ là nhỏ giọt (mới 1%). Thực tế, có những doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất khá cao, có khoản lên tới 20% ở một vài ngân hàng nhỏ.

Một số ý kiến cho rằng, hạ lãi suất cũng chỉ là một mặt. Để các doanh nghiệp hấp thụ được vốn thì ngân hàng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm nhưng với doanh nghiệp mới phục hồi, doanh nghiệp đang ứ đọng hàng thì khó có thể thực hiện được. Chưa kể, với các mặt hàng tồn kho, hàng bán chậm, tỷ lệ thế chấp của ngân hàng thường rất cao, 100 triệu tài sản may ra mới được 60 triệu vốn vay. Một giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội cho rằng: Nhiều năm qua để chống đỡ với khủng hoảng, hàng trăm doanh nghiệp mà ông biết đã phải mang tất cả tài sản của mình thế chấp. Bây giờ cần vốn nhưng các hồ sơ tài sản đã gửi hết ngân hàng thì lấy cách gì vay?

Còn phía NHNN thì cho rằng: Để cứu doanh nghiệp thì không chỉ ở phía nỗ lực của ngân hàng. Theo chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong thời kỳ kinh tế suy giảm thì hầu như cầu tín dụng không nhạy cảm với lãi suất.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã giảm lãi suất đến 9 lần cùng với việc kết nối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên từ phía doanh nghiệp có thể có những ý kiến khác. “Nếu anh có 1 đồng vốn tự có, đi vay 1 đồng tức là sử dụng đòn cân nợ 50- 50. Với đòn cân nợ này, lãi suất vay ngân hàng có thể cao nhưng chắc cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu chỉ có 1 đồng mà anh lại đi vay ngân hàng 2- 3 đồng thì bài toán chi phí tài chính lại rất khác.

Theo thống kê của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, bình quân của doanh nghiệp nhà nước là trên 1,8 lần, doanh nghiệp dân doanh là trên 2 lần, thậm chí có doanh nghiệp vay gấp 7 đến 8 lần so với vốn tự có. Vì thế có thể có những ý kiến kêu vay vốn lãi suất còn cao cũng là điều dễ hiểu”, ông Tú nói.

Lãnh đạo NHNN khẳng định: Cần phải nói một nguyên nhân rất quan trọng, tín dụng không ra được là do tổng cầu của nền kinh tế yếu. Nhiều doanh nghiệp được khảo sát mới đây trả lời rằng: Chưa thấy được đầu ra thì vay vốn chỉ cộng thêm chi phí.

Minh Phương


Ngân hàng cần doanh nghiệp
Ngân hàng cần doanh nghiệp

Tuần đầu tháng 10, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn. Có ý kiến cho rằng, động thái này sẽ là đà nối tiếp cho lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN