Giải quyết nợ xấu trở nên cấp bách

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6 - 10% trên tổng dư nợ. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế. Nếu không giải quyết sớm thì không chỉ ngân hàng, doanh nghiệp rơi vào thảm cảnh mà nợ xấu đang trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế.

 

Giải quyết nợ xấu trở nên cấp bách

 

Tại Việt Nam, tín dụng ngân hàng ảnh hưởng tới 82% khu vực kinh tế doanh nghiệp, trên 30% khu vực đầu tư công và 28% vốn đầu tư nước ngoài… Vì vậy, muốn xử lý nợ xấu, Chính phủ phải vào cuộc mạnh mẽ bởi nếu để nhiều doanh nghiệp phá sản thì phục hồi sẽ khó khăn hơn.

 

Khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) cho rằng: Với thực trạng kinh tế hiện nay thì việc giải quyết ngay bài toán nợ xấu trở nên rất cấp bách. Thực tế, vấn đề xử lý nợ xấu đã được đưa ra từ cuối quý I/2012 nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, quá trình xử lý nợ xấu vẫn diễn ra chậm, từ việc đưa ra các phương án xử lý cũng như bàn tính thành lập Công ty mua bán nợ xấu quốc gia.


Để giải quyết được nợ xấu, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất: Nên hình thành ủy ban giải quyết nợ xấu, trong đó có đại điện của NHNN vì nợ xấu gắn liền với ngân hàng; có đại diện của Bộ Tài chính vì liên quan đến các dư nợ của các tập đoàn kinh tế; sự góp mặt của Bộ Xây dựng vì liên quan tới đất đai; sự tham gia của Bộ Công an vì có những dự án liên quan tới vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... “Chúng ta sử dụng tiền của dân để xử lý nợ xấu thì phải có Ban kiểm soát, đó là đại diện của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách giám sát độc lập, trong ủy ban giải quyết nợ xấu này lại hình thành công ty mua bán nợ”, ông Ngân nói.


Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu lớn nhất tại Việt Nam tập trung vào khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp bất động sản và công ty sân sau của ngân hàng (các công ty con). Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tại Việt Nam được nêu ra là do tăng trưởng ảo vì cạnh tranh giữa các ngân hàng và áp lực từ phía cổ đông.


"Vậy trách nhiệm nợ xấu trước tiên là thuộc về ngân hàng nhưng cùng đó phải kể đến cả chính sách vĩ mô thả lỏng đồng tiền và nới lỏng cung tiền," vị chuyên gia này nhận định. Ông Hiếu tính toán: Tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện vào khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Nếu chỉ tính mức nợ xấu chiếm khoảng 10% thì con số này đã là 250.000 tỷ đồng, nhưng thực tế có khi còn lớn hơn rất nhiều. Chuyên gia này cho hay, mỗi tháng nợ xấu tăng khoảng 8% nhưng vẫn chưa lên đến cực điểm và dự báo sẽ tiếp tục cao hơn nữa bởi nền kinh tế chưa được cải thiện. Nếu khả năng nợ xấu lên đến 15% thì con số này vào mức 375.000 tỷ đồng.


Tín dụng đã tăng trở lại Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình trả nợ khoản vay cũ và để hạn chế khoản nợ xấu khó đòi, NHNN đã thực hiện đồng loạt các giải pháp. Nhờ đó, sau 5 tháng tín dụng giảm, thì từ tháng 6/2012 tín dụng đã tăng trở lại (tính đến cuối tháng 9/2012, tăng 2,45% so với cuối năm 2011). Cơ cấu tín dụng đã chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng của Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung cho nền kinh tế, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 9,57%, tín dụng xuất khẩu tăng 10,76%; tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích chỉ chiếm khoảng 4,8% so với tổng dư nợ cho vay và giảm so với đầu năm.

"Theo kinh nghiệm quốc tế, khoảng 50% số nợ xấu là mất. Vậy tại Việt Nam, con số trích lập dự phòng từ các ngân hàng là 70.000 tỷ đồng vẫn là quá ít, phải tăng lên ít nhất 2,5 lần nữa", ông Hiếu nhận xét.


Thống kê cho thấy 84% số nợ xấu có tài sản bảo đảm với giá trị bằng 135%, nhưng chuyên gia này cho rằng mặc dù các ngân hàng đã thẩm định giá trị này nhưng trong khi bất động sản tụt dốc, giảm giá tới 30% thì giá trị tài sản này không còn thực tế. Bởi vậy, nếu cộng dồn tất cả lại, đem đi xử lý thì số tiền mang về cũng không đủ giải quyết 50% số nợ xấu. Như vậy, bản thân các ngân hàng không thể tự giải cứu mình trong hoàn cảnh này.


Các chuyên gia kinh tế khẳng định: Nợ xấu tại Việt Nam không thể giải quyết được nếu không thành lập công ty xử lý nợ quốc gia. Đơn vị đó phải do NHNN chủ trì vì nắm rõ nhất mọi ngóc ngách cũng như sức khỏe toàn hệ thống. Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của công ty mua bán nợ thuộc Bộ Tài chính cùng Kiểm toán và các bộ, ngành liên quan.


Hiện nay, NHNN đã hoàn thiện Đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu. Công ty mua bán nợ nếu ra đời sẽ đặt dưới sự quản lý của NHNN bởi NHNN là đơn vị quản lý các ngân hàng và hiểu rõ vấn đề nợ xấu như thế nào và nằm ở đâu, cách xử lý thế nào thì phù hợp.


Theo một chuyên gia của NHNN, nếu công ty này hoạt động dự kiến sẽ xử lý được 60.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Việc thành lập công ty xử lý nợ là cần thiết nhưng không nên tuyệt đối hóa vai trò của công ty mua bán nợ vì nó chỉ là một công cụ giải quyết nợ xấu thôi. Về nguyên tắc, công ty này sẽ chỉ xử lý các khoản nợ còn xử lý được, bên cạnh đó sẽ còn nhiều phương pháp khác để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.



Minh Phương

Xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng

“Chính phủ cần tập trung xử lý nợ xấu thì mới có thể giải quyết thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của ngân hàng”. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về một số giải pháp để xử lý tình trạng nợ xấu hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN