Giá vàng giảm, giá dầu lao dốc

Phiên giao dịch ngày 19/10, giá vàng thế giới giảm phiên thứ ba liên tiếp trong khi giá dầu thế giới giảm mạnh.


Giá vàng giảm trong bối cảnh đồng USD có xu hướng mạnh lên, đẩy kim loại quý này rời khỏi mức đỉnh của ba tháng rưỡi vừa đạt được trong tuần trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.170,26 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2015 giảm 0,9% xuống 1.172,80 USD/ounce. Trong tuần trước, giá vàng đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2015 là 1.190,63 USD/ounce.

Những đồn đoán xung quanh thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD, gây sức ép cho thị trường vàng. Trong phiên này, đồng euro chạm mức thấp của 10 ngày (so với USD) trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

SP DR Gold Shares, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới cho hay lượng vàng chảy khỏi quỹ này hôm 16/10 là 6,3 tấn.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên ngày 19/10 trước những quan ngại về tình trạng kinh tế Trung Quốc, khi GDP quý III/2015 của cường quốc này tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn sáu năm và sản lượng công nghiệp sa sút.

Cụ thể, khép lại phiên giao dịch ngày 19/10, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2015 hạ 1,37 USD xuống 45,89 USD/thùng. Tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2015 giảm 1,85 USD và đóng cửa ở mức 48,61 USD/thùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Giá dầu kỳ hạn tiếp tục đà lao dốc, sau khi "vàng đen" để mất hơn 4% giá trị trong tuần trước, giữa bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ.

Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong quý III/2015 tăng trưởng với nhịp độ chậm nhất kể quý I/2009. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng Chín của nước này cũng giảm xuống 5,7%.

Theo các nhà chuyên gia phân tích, số liệu trên gây thêm áp lực lên thị trường dầu mỏ, khiến các nhà giao dịch lo lắng về nhu cầu của Trung Quốc giữa lúc nhu cầu dầu mỏ trên thế giới yếu đi.

Bên cạnh đó, thị trường đang tập trung sự chú ý vào cuộc họp giữa các chuyên gia kỹ thuật của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước khác không thuộc nhóm này, dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) vào ngày 21/10.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đưa sắc xanh đến Phố Wall

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/10, chứng khoán Phố Wall đi lên nhờ đà tăng giá của nhóm cổ phiếu công nghệ, “bù đắp” cho xu hướng đi xuống của nhóm cổ phiếu dầu khí theo sau loạt dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 14,57 điểm (0,08%) lên khép phiên ở mức 17.230,54 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,55 điểm (0,03%) lên chốt phiên ở mức 2.033,66 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composit cũng cộng cho mình thêm 18,78 điểm (0,38%) lên 4.905,47 điểm.

Trong phiên này, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí đồng loạt thoái lui cùng giá dầu sau khi thị trường đón nhận số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc.

Theo đó, tốc độ tăng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý III vừa qua chỉ đạt 6,9%, tuy cao hơn mức dự báo 6,7% nhưng là chậm nhất kể từ năm 2009, đã tác động mạnh tới giá dầu vì Trung Quốc là nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Thông tin trên đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil giảm 1,8%, Chevron giảm 1,4% và giá cổ phiếu của EOG Resources cũng giảm 3,1%.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu công nghệ trong phiên này phần lớn đều lên giá, giúp đưa sắc xanh đến với Phố Wall. Giá cổ phiếu của Netflix, Priceline và Apple khép phiên tăng lần lượt 2,7%, 3% và 0,6%.

M.H, ML (Theo AFP, Reuters)
Tuần ảm đạm của thị trường dầu mỏ thế giới
Tuần ảm đạm của thị trường dầu mỏ thế giới

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua chứng kiến một tuần giao dịch đầy ảm đạm với bốn phiên đầu tuần đi xuống liên tiếp và giá dầu chỉ phục hồi được một phiên duy nhất vào ngày cuối tuần 16/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN