Giá vàng, giá dầu thế giới giảm mạnh

Trong phiên giao dịch ngày 1/7, giá vàng thế giới đi xuống trong bối cảnh đồng bạc xanh mạnh lên và thị trường hy vọng cuộc khủng hoảng Hy Lạp được cứu vãn sau khi Athens cho biết có thể chấp nhận kế hoạch cứu trợ của các chủ nợ quốc tế nếu một vài điều kiện được thay đổi.

Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống còn 1.169,10 USD/ounce, cận kề mức thấp nhất kể từ phiên 5/6 là 1.166,35 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2015 cũng hạ 2,50 USD/ounce xuống còn 1.169,30 USD/ounce. 


Diễn tiến cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã không làm các nhà đầu tư dốc túi vào vàng, do thị trường kỳ vọng Mỹ sẽ tăng lãi suất trong năm nay, trong bối cảnh "sức khỏe" nền kinh tế lớn nhất thế giới có bước cải thiện. 


Đồng USD hiện là nhân tố quan trọng đang chi phối thị trường vàng. Đồng USD đã tăng 0,9% giá trị so với rổ các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng – một tài sản được định giá bằng đồng tiền này - trở nên đắt đỏ hơn đối với giới đầu tư. 


Trong phiên giao dịch ngày 1/7, giá dầu thế giới đi xuống giữa bối cảnh Hy Lạp ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, trong khi dự trữ dầu thô của Mỹ lại bất ngờ gia tăng.


Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng Bảy, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8/2015 hạ 2,51 USD, xuống 56,96 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua. Tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng để mất 1,58 USD, xuống 62,01 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích Tim Evans từ Citi Futures cho biết, số liệu tăng trưởng việc làm tích cực từ khu vực tư nhân của Mỹ trong tháng 6/2015 giúp đồng USD mạnh lên, cùng với sự bất ổn tài chính tiếp diễn tại Hy Lạp đã khiến thị trường năng lượng lao đao trong phiên này.


Ngày 30/6 vừa qua, Athens không thể thanh toán khoản nợ 1,5 tỷ euro vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên chậm trả nợ IMF, trong bối cảnh những nỗ lực cuối cùng của nước này nhằm tìm kiếm một thỏa thuận với các nhà chủ nợ vẫn không đem lại kết quả. Điều này càng làm dấy lên lo ngại rằng "Xứ sở các vị Thần" sẽ sớm phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), mặc dù ngày 1/7, Chính phủ Hy Lạp đã gửi một đề xuất "được sửa đổi" vào phút chót tới các chủ nợ quốc tế với hy vọng đạt được một thoả thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất từ Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) càng khiến thị trường năng lượng thêm ảm đạm. DoE cho biết dự trữ dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ tăng 2,4 triệu thùng trong tuần trước, lên 465,4 triệu thùng, gần chạm mức cao kỷ lục của thời điểm này hàng năm.


Chuyên gia James Williams từ WTRG Economics nhận định có quá nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường đầu mỏ trong thời điểm hiện tại như: nguồn cung dầu thế giới vẫn ở mức cao, sự lạc quan trong tiến trình đàm phán hạt nhân của Iran, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc co lại và cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp.


QC-MT (TTXVN)
Giá vàng, dầu biến động quanh tình hình Hy Lạp
Giá vàng, dầu biến động quanh tình hình Hy Lạp

Trước các diễn biến gần đây về Hy Lạp, giá dầu thế giới sụt giảm trong khi giá vàng lại đi lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN