Giá vàng, dầu tạo hai sắc thái đối lập

Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 13/6, giá vàng thế giới tăng phiên thứ tư liên tiếp và đạt mức đỉnh kể từ giữa tháng Năm, trong khi đó giá vàng lại giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: EPA/TTXVN

Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh tâm lý lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư ngày càng tăng trước cuộc họp của một loạt ngân hàng trung ương chủ chốt trong tuần này và cuộc trưng cầu ý dân tại Anh ngày 23/6 về việc nước này ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU).

Tại thị trường New York, giá vàng giao ngay đã có thời điểm vọt lên 1.287 USD/ounce, và đứng ở mức 1.281,96 USD/ounce vào cuối phiên giao dịch, tăng 0,6% so với phiên trước. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2016 tăng 0,9% lên 1.286,90 USD/ounce.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, ngân hàng trung ương), Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ, và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đều sẽ nhóm họp trong tuần này.

Giới quan sát dự kiến các ngân hàng sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như những tác động của Brexit - kịch bản Anh rời khỏi EU. Vàng thường được coi là một kênh tài sản an toàn trước những bất ổn kinh tế và tài chính.

Khả năng FED sớm tăng lãi suất đang mờ dần và tình trạng này đã đẩy giá vàng tăng mạnh từ đầu tháng Sáu tới nay.

Những dự báo về sản lượng dầu tăng tại khu vực Bắc Mỹ và châu Phi, cùng với nhu cầu “vàng đen” trên thế giới “ảm đạm” đã khiến giá mặt hàng này xuống dốc trong phiên giao dịch ngày 13/6.

Chốt phiên này, trên sàn giao dịch hàng hóa NYMEX (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy giảm 19 xu Mỹ xuống 48,88 USD/thùng, phiên giảm thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tám cũng giảm 19 xu Mỹ xuống 50,35 USD/thùng.

Tàu chở dầu Starla của Iran trên đường tới Nhà máy lọc dầu lớn nhất Hàn Quốc SK Energy tại Ulasan ngày 4/2. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngoài ra, tình hình bất ổn ngày một tăng liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh vào tuần tới, cũng như quyết sách về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến được công bố trong tuần này, đã làm dấy lên tâm lý thận trọng trên thị trường năng lượng.

Chuyên gia phân tích Tim Evans thuộc Citi Futures cho rằng các nhà đầu tư dường như đang tạm ngừng mua vào “vàng đen” ở thời điểm trước khi diễn ra cuộc họp chính sách của Fed và cuộc trưng cầu dân ý tại Anh.

Trong báo cáo tháng 6/2016, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay ở mức 94,18 triệu thùng/ngày, tăng 1,2 triệu thùng so với năm ngoái. OPEC nhận định tình trạng dư cung trên thị trường có thể dịu đi trong những quý tới.

M.H, QC (Theo AFP, Reuters)
Soán ngôi Saudi Arabia, Nga xuất khẩu dầu khí số 1 thế giới
Soán ngôi Saudi Arabia, Nga xuất khẩu dầu khí số 1 thế giới

Bảo tồn “ngôi vương” về xuất khẩu khí đốt tự nhiên, Nga còn vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN