Giá dầu, vàng "rủ nhau" giảm

Giá dầu và giá vàng thế giới cùng chứng kiến đà giảm trong phiên giao dịch ngày 3/8.

Giá dầu Brent mất hơn 5% giá trị trong bối cảnh lĩnh vực chế tạo tại hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sa sút bên cạnh những lo ngại về nguồn cung “vàng đen” dôi dư trên toàn cầu.

Ảnh minh họa.


Cụ thể, khép lại phiên giao dịch ngày 3/8, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2015 hạ 1,95 USD (4,1%) xuống 45,17 USD/thùng. Tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 2,69 USD (5,2%) và đóng cửa ở mức 49,52 USD/thùng.

Đà giảm giá trên thị trường dầu thô tiếp tục kéo dài từ phiên cuối tuần trước (31/7), khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo sẽ không hạ sản lượng bất chấp giá dầu thấp.

Trong khi đó, các báo cáo mới nhất về tình hình yếu kém của lĩnh vực chế tạo tại Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, đã làm xấu đi triển vọng vốn đã u ám của nhu cầu dầu mỏ.

Báo cáo của Caixin cho thấy PMI trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm xuống 47,8 trong tháng Bảy, xuống dưới ngưỡng 50 phân định giữa tăng trưởng-suy giảm, và cũng là mức thấp nhất trong hai năm qua. Tại Mỹ, chỉ số PMI tháng 7/2015 của nước này giảm xuống 52,7 từ mức 53,5 của tháng Sáu.

Làm gia tăng qua ngại về tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ thế giới là phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh về khả năng nước này sẽ tăng mạnh khối lượng dầu mỏ xuất khẩu ngay sau khi các lệnh cấm vận liên quan đến vấn đề hạt nhân của nước này được dỡ bỏ.

Giới phân tích nhận định rằng mặc dù kịch bản tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong tuần đầu tiên và 1 triệu thùng/ngày trong tháng đầu tiên sau khi lệnh cấm vận của Iran được dỡ bỏ khó có thể xảy ra, song đây cũng là nhân tố tiêu cực khiến giá dầu đi xuống trong phiên này.

Chứng khoán Phố Wall đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 3/8 trong bối cảnh giá năng lượng đi xuống đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu mỏ.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 91,66 điểm (0,52%) xuống còn 17.598,20 điểm. Chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lần lượt hạ 5,80 điểm (0,28%) và 12,90 điểm (0,25%), chốt phiên ở mức 2.098,04 điểm và 5.115,38 điểm.

Phiên giao dịch 3/8 chứng khiến giá cổ phiếu của hai “gã khổng lồ” trong lĩnh vực năng lượng là ExxonMobil và Chevron, hai thành viên của chỉ số công nghiệp Dow Jones, đã lần lượt giảm 1,5% và 3,3% sau khi giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 4,1% xuống còn 45,17 USD/thùng.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang tập trung vào báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng Bảy, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này. Những thông tin không mấy khả quan về hoạt động trong lĩnh vực chế tạo và niềm tin tiêu dùng cũng là những chỉ dấu mang tính tiêu cực cho chứng khoán Phố Wall.

Trong khi đó, ở bên kia Đại Tây Dương, sắc xanh đã phủ trên phần lớn các sàn chứng khoán châu Âu, bất chấp sự sụt giảm mạnh mẽ của chứng khoán Hy Lạp trong phiên giao dịch đầu tiên sau năm tuần phải đóng cửa dưới áp lực của cuộc khủng hoảng nợ.

Theo đó, chỉ số CAC 40 trên sàn Paris và chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt lần lượt đóng phiên tăng 0,75% và 1,19% lên mức 5.120,52 điểm và 11.443,72 điểm. Tuy nhiên, chỉ số FTSE trên sàn London lại giảm 0,11% xuống còn 6.688,62 điểm trong bối cảnh lĩnh vực năng lượng và mỏ của nước này đang chịu tác động bởi những thông tin kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 3/8, chứng khoán Hy Lạp mở cửa giảm đến hơn 22% với chỉ số ATHEX hạ 22,82% xuống 615,72 điểm chỉ vài phút sau khi khai phiên. Nhưng mức giảm được thu hẹp dần và đến cuối phiên chỉ số ATHEX chỉ còn giảm 16,23% xuống 668,06 điểm.

Giá vàng giảm tại thị trường Mỹ trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và giới đầu tư đang theo dõi các số liệu kinh tế từ Mỹ để tìm kiếm manh mối về thời điểm tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Kết thúc phiên 3/8, trên Sàn giao dịch COMEX, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2015 giảm 0,5% xuống 1.089,40 USD/ounce. Còn giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.086,06 USD/ounce. Kim loại quý này đã chạm mức “đáy” 1.077 USD/ounce trong phiên 24/7 và đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi qua.

Tính trong tháng Bảy, vàng đã mất gần 7% giá trị, mức giảm nhiều nhất tính theo tháng kể từ tháng 6/2013, và trượt giá trong sáu tuần liên tiếp tính đến tuần trước, chuỗi ngày giảm giá lâu nhất kể từ năm 1999.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg


Đồng USD tăng 0,1% so với rổ tiền tệ chủ chốt, nhưng mức tăng giá của đồng USD đã bị “kìm lại” sau thống kê cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng Sáu đã ghi nhận mức tăng ít nhất trong bốn tháng. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo Mỹ cũng chậm lại trong tháng Bảy.

Giới đầu tư hiện đang theo dõi sát sao những số liệu kinh tế Mỹ bởi những số liệu này có thể ảnh hưởng đến thời điểm tăng lãi suất của FED trong gần một thập niên qua, đặc biệt là báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, dự kiến công bố ngày 7/8.

Trong khi đó, SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008, ở mức 21,63 triệu ounce hôm 31/7.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay giảm 2,6% xuống 955,74 USD/ounce, sau khi giảm 8,7% trong tháng Bảy, mức giảm nhiều nhất tính theo tháng trong 10 tháng qua.

Giá paladi mất 2,3% xuống 595,25 USD/ounce, gần mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012. Còn giá bạc giao ngay giảm 2,2% xuống 14,44 USD/ounce, gần mức “đáy” trong sáu năm ghi nhận được trong tháng trước.


Phương Nga, ML (Theo AFP, Reuters)
Giá vàng vẫn "kẹt gần đáy" của 5 năm rưỡi
Giá vàng vẫn "kẹt gần đáy" của 5 năm rưỡi

Chiều ngày 3/8, vàng vững giá trên thị trường châu Á, nhưng vẫn giữ khoảng cách không quá xa so với mức thấp nhất 5 năm rưỡi qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN