Giá dầu giảm do hoài nghi về kế hoạch "đóng băng" sản lượng

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên ngày 14/3 do nhà đầu tư hoài nghi về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể "đóng băng" sản lượng khi Iran đã đánh tiếng chưa sẵn sàng thực hiện đề xuất này.

Khép lại phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2016 giảm 1,32 USD, tương đương 3,4%, xuống 37,18 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2016 hạ 86 xu Mỹ, hay 2,1% xuống 39,53 USD/thùng.

Cơ sở khai thác dầu của Công ty Aramco ở Khouris, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 14/3 cho biết một cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC để bàn về thỏa thuận "đóng băng" sản lượng có thể diễn ra vào tháng Tư, thay vì vào tháng này như dự kiến trước đây.

Nga và ba thành viên OPEC (Saudi Arabia, Venezuela và Qatar) trong tháng trước tuyên bố sẵn sàng "đóng băng" sản lượng ở mức của tháng 1/2016 nếu các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác cùng thực hiện ý tưởng này.

Tuy nhiên, Iran mới đây thông báo nước này sẽ chỉ tham gia thỏa thuận hạn chế sản lượng trên sau khi sản lượng của Iran đạt 4 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi bị cấm vận.

Theo số liệu của OPEC, sản lượng dầu mỏ của Iran trong tháng Hai vào khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, tăng từ mức 2,9 triệu thùng/ngày ghi nhận trong tháng Một.

Trong tháng 2/2016, tổng sản lượng của nhóm 13 thành viên OPEC giảm 175.000 thùng/ngày xuống trung bình 32,28 triệu thùng/ngày, chủ yếu do sản lượng sụt giảm tại Iraq, Nigeria và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

Giá vàng thế giới đi xuống

Trong phiên giao dịch ngày 14/3, giá vàng thế giới đi xuống, trong bối cảnh chứng khoán tăng điểm, đồng USD lên giá và các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) diễn ra trong tuần này.

Các thỏi vàng tại cơ sở tinh chế ở Mendrisio, bang Ticino, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chốt phiên 14/3, giá vàng giao tháng 4/2016 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) giảm 1,1% xuống 1.245,10 USD/ounce.

Hiện nay, thị trường đang chờ đợi cuộc họp kéo dài hai ngày (15-16/3) của Fed, để có thêm thông tin về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của ngân hàng này. Nếu FED tiếp tục nâng lãi suất, đồng USD sẽ mạnh lên và giá vàng “chịu thiệt thòi”.

Kể từ đầu năm tới nay, giá kim loại quý này đã tăng 16% khi những đồn đoán về khả năng FED nâng lãi suất trong ngắn hạn “phai nhạt”. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang hướng sự tập trung vào cuộc họp của BoJ trong tuần này.
Theo Comerzbank, kể từ đầu năm tới nay, có khoảng 481 tấn vàng được mua thông qua thị trường kỳ hạn.

Nhà đầu tư chờ đợi quyết sách của các ngân hàng trung ương lớn


Thị trường chứng khoán thế giới có một phiên giao dịch đầu tuần 14/3 suôn sẻ trước thềm một số cuộc họp chủ chốt của các ngân hàng trung ương dự kiến diễn ra trong tuần này.

Khép phiên 14/3, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% lên 17.229,13 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng khoảng 0,1% lên 4.750,28 điểm. Trái ngược với xu hướng trên, chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,1% xuống 2.019,64 điểm.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,6% lên 6.174,57 điểm trong bối cảnh thị trường dự đoán Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,5% trong cuộc họp chính sách ngày 17/3 tới. Chỉ số DAX 30 của Đức chốt phiên tiến 1,6% lên 9.990,26 điểm và chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,3% lên 4.506,59 điểm khi thị trường tiếp tục hoan nghênh loạt biện pháp kích thích kinh tế được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra hồi tuần trước. Trong khi đó, chỉ số EURO STOXX 50 cũng cộng thêm 0,6% lên 3.091,98 điểm.

Sau khi ECB hồi tuần trước tung thêm các biện pháp kích thích kinh tế, giới đầu tư đang chờ đợi các động thái tiếp theo từ các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới. Dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Nhật Bản, Ngân hàng trung ương Anh sẽ có cuộc họp chính sách trong tuần này.

Trà My, ML, Kim Dung (Theo AFP, Reuters)
Ứng phó thách thức giá dầu giảm - Bài cuối
Ứng phó thách thức giá dầu giảm - Bài cuối

Theo dự toán ngân sách năm 2016, nguồn thu từ dầu thô sẽ giảm 7.900 tỉ đồng và chỉ chiếm 5,4% tổng thu dự toán ngân sách. Tuy nhiên, đây là dự toán dựa trên kịch bản giá dầu là 60 USD/thùng. Theo VEPR, nếu giá dầu thô ở mức trung bình 40 USD/thùng, ngân sách sẽ bị giảm hơn 40.000 tỉ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN