Giá cổ phiếu xuống đáy, nhiều doanh nghiệp lặng lẽ rời sàn

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết liên tục báo cáo lỗ. Theo đó, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn rơi vào trạng thái ảm đạm, đỏ sàn. Nhiều cổ phiếu (CP) rớt giá xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP, thậm chí chỉ còn 100 đến 200 đồng/CP. Trước tình hình trên, một số DN đã “tháo chạy” khỏi sàn, thậm chí có DN chưa niêm yết cũng xin rút khỏi thị trường.

 

Giá cổ phiếu rẻ hơn… tăm


Theo thống kê của UBCKNN, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 13 - 15 cổ phiếu bị hủy niêm yết. Ngoài trường hợp HBB, S64, SSS hủy niêm yết để sáp nhập với cổ phiếu khác, CSG giải thể cổ đông sẽ được nhận lại tiền thì một số công ty khác bất ngờ bị hủy niêm yết như SME, SD3, AGD, BAS, CAD, VPK, MKP, VFC...


 

Hoạt động giao dịch chứng khoán trực tuyến tại Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (chi nhánh Hà Nội). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

 

Phần lớn, sự ra đi của các CP này do làm ăn thua lỗ, hoặc không minh bạch trong việc công bố thông tin. Tuy nhiên, sự ra đi của các cổ phiếu AGD, MKP, VFC... lại khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) ngạc nhiên bởi cả hai nguyên nhân trên đều không phải. Hơn một năm qua, các cổ phiếu này đều làm ăn có lãi và có mức giá trên 40.000 đồng/CP.


Nhiều cổ đông, NĐT lẫn nhà quản lý TTCK phải buồn lòng khi giá CP của SME đã có lúc xuống còn 200 đồng/CP, thấp nhất trong lịch sử của TTCK Việt Nam. Mức này còn rẻ hơn mức bán của một... gói tăm tre.


Thực tế, đã có thời gian NĐT cảm thấy ngạc nhiên xen lẫn thích thú với những cụm từ cổ phiếu rẻ hơn rau hay cốc trà đá cùng những lạc quan và hi vọng thị trường đã về đáy. Nhưng đến nay, mọi thứ lại đi ngược với kỳ vọng khi thị trường tăng thì ít nhưng giảm lại nhiều, hết đáy lớn rồi đến đáy nhỏ.


Trước sự èo uột của TTCK, nhiều DN chưa giao dịch ngày nào cũng âm thầm rút lui, từ bỏ kế hoạch đã ngốn không ít tiền của, chấp nhận bị hủy niêm yết. Điển hình như cổ phiếu VTE của Công ty Viễn thông Điện tử Vinacap, đầu tháng 10, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo hủy niêm yết do DN này không hoàn tất thủ tục niêm yết trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết. Theo đó, gần 13,5 triệu cổ phiếu VTE bị hủy niêm yết từ ngày 4/10.


Tương tự, HNX cũng đã buộc phải hủy niêm yết cổ phiếu MED của CTCP Dược Trung ương Mediplantex trước đó 1 tháng dù chưa thực hiện phiên giao dịch nào tại HNX. Hơn 5 triệu cổ phiếu MED, tương đương hơn 50 tỷ đồng đã bị hủy niêm yết từ ngày 7/8/2012 cho dù ban đầu đã có dự kiến lên sàn vào ngày 22/6 với giá tham chiếu 15.500 đồng/CP. Ngay cả các DN ngân hàng như VIB, Nam Á, Đại Á, Đông Á... cũng thờ ơ với kế hoạch niêm yết dù trước đó vài tháng, thậm chí hơn 1 năm nay đã xin niêm yết trên sàn chứng khoán. Các ngân hàng giải thích rằng vì thị trường đang ảm đạm, cổ phiếu nói chung đang rớt giá, niêm yết giờ là không thuận lợi, và lên sàn thời điểm này cũng khó huy động vốn...

 

Cần sàng lọc để lấy niềm tin


Hiện tượng các DN hủy niêm yết tự nguyện và giờ đây là từ bỏ kế hoạch lên sàn dường như đã trở thành làn sóng. Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia chứng khoán lo ngại TTCK VN sẽ mất đi tính hấp dẫn với các NĐT trong và ngoài nước. Bởi bên cạnh bất động sản, vàng, tiền tệ, đất đai, gửi tiết kiệm thì chứng khoán cũng là một trong những kênh đầu tư sôi động. Tuy nhiên, với quy định khá “thông thoáng” về niêm yết cùng với việc dễ kiếm tiền từ đầu tư chứng khoán trước đây đã khiến các DN đua nhau đăng ký niêm yết. Không ít trong số đó đã bị thị trường “lật tẩy” về sự minh bạch tài chính thông qua việc định giá cổ phiếu.


Thêm vào đó, trước “cơn bão” kinh tế, TTCK cũng đã sàng lọc ra những DN yếu kém, DN mạnh. Theo đó, “hàng hóa” chất lượng cũng ít dần hơn, khiến TTCK không còn sức hấp dẫn. Đáng lo ngại, khi hàng loạt DN báo cáo thua lỗ và buộc phải rời sàn thì cũng đồng nghĩa các nhà đầu tư lẫn cổ đông phải chịu thiệt thòi.


Mặc dù "thuốc đắng" là vậy, nhưng theo nhiều chuyên gia, điều này không tác động nhiều đến thị trường vì đây là một sự loại bỏ cần thiết các cổ phiếu yếu kém và nâng dần chất lượng hàng hóa trên TTCK. Bởi khi chất lượng được nâng lên, sẽ giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động đầu tư trên TTCK và từng bước lấy lại niềm tin đối với thị trường. Sâu xa hơn, đây cũng là một trong những phương án để tránh bị thâu tóm DN. Theo đó, từ nay đến cuối năm sự sàng lọc sẽ còn tiếp tục.


Thực tế, còn quá nhiều doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ và rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên. Thống kê cho thấy, có tới 40% DN niêm yết không đạt chuẩn mới theo Thông tư 58 (hướng dẫn các quy định về Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Chính phủ ban hành, trong đó quy định các điều kiện để được niêm yết trên 2 sàn HSX và HNX đều được nâng lên so với trước, áp dụng kể từ ngày 15/9/2012). Theo khuyến nghị của Công ty Chứng khoán FPT-FPTS, hiện kết quả kinh doanh quý III của nhiều công ty đang dần hé lộ, các công ty có báo cáo tốt sẽ chủ động công bố sớm và đây là động lực để các cổ phiếu này có thể tăng điểm. Tuy nhiên, quý III cũng không phải là quý có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh đột biến và nhiều hứa hẹn. Vì thế, nhà đầu tư cần thận trọng với những DN công bố thông tin chậm.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN