FED tăng lãi suất có thể làm khó các nền kinh tế mới nổi

Các nhà phân tích cảnh báo động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên, dự kiến vào ngày 16/12, có thể làm khó các nền kinh tế mới nổi trong thực hiện các biện pháp chống chọi trong bối cảnh họ đang phải nỗ lực ngăn chặn khả năng xảy ra suy thoái.

Quang cảnh bên ngoài trụ sở FED ở Washington, DC. Ảnh: Reuter/ TTXVN

Các nền kinh tế mới nổi đã và đang được lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của FED và việc FED nâng lãi suất sẽ khiến nhiều nền kinh tế trong số đó đối mặt với những "cơn gió ngược" nhiều hơn, trong lúc tăng trưởng đã chậm lại. Nhiều nền kinh tế mới nổi là các nhà sản xuất quy mô lớn về kim loại thô và đi lên cùng với sự bùng nổ nhu cầu của Trung Quốc.

Nhưng với nhu cầu giảm sút, tăng trưởng của các nền kinh tế này không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng. Tồi tệ hơn là việc Mỹ tăng lãi suất sẽ gây khó khăn cho các nước này trong việc đi vay và trả nợ, làm đồng tiền của họ bị mất giá, qua đó khiến nguồn thu từ xuất khẩu giảm sút.

Việc Mỹ tăng lãi suất gây ra nguy cơ rút thoái vốn gia tăng tại các nền kinh tế mới nổi và khiến các nền kinh tế này phải ứng phó bằng việc tăng lãi suất trong nước, vốn đã ở mức cao trong nhiều trường hợp.

Nhà kinh tế trưởng của Societe Generale, Olivier Garnier cho rằng nếu muốn giữ được sự ổn định của đồng tiền, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải tăng lãi suất; nhưng cũng khuyến nghị nếu nền kinh tế đã rơi vào tình trạng giảm tốc hoặc thậm chí là suy thoái trong một số trường hợp thì các nước nên làm điều ngược lại.

Brazil là một ví dụ tiêu biểu với lạm phát ở mức hai con số và lãi suất đã rất cao là 14,25% và có rất ít khả năng thực hiện việc nâng lãi suất lên hơn nữa. Theo ông Garnier, nền kinh tế Brazil đang suy thoái và nước này nên nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng làm như thế sẽ chỉ càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng thoái vốn và sự mất giá của đồng nội tệ, từ đó càng khiến lạm phát leo thang.

Tuy nhiên, hãng tư vấn Capital Economics tin rằng các nền kinh tế mới nổi có khả năng "đàn hồi" hơn đang ở vị thế tốt trong việc chống đỡ với việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ, khi động thái này diễn ra vào lúc các điều kiện kinh tế khá thuận lợi và là điều đã được dự đoán.

Trong khi đó, các nước sản xuất dầu đang chịu tác động của việc giá dầu giảm sẽ phải đối phó với việc Mỹ nâng lãi suất và việc đồng USD tăng giá sau khi lãi suất tăng. Ông Garnier giải thích rằng các nước vùng Vịnh, với đồng tiền neo gắn với đồng bạc xanh, có thể cảm nhận được sức ép từ việc đồng tiền bị định giá cao và để duy trì sự ổn định của đồng tiền so với đồng USD, các nước sẽ phải nâng lãi suất, do đó mất đi một công cụ về tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng.


Với trường hợp của nước sản xuất dầu Nigeria, Giám đốc cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch, Jermaine Leonard cho rằng khi FED nâng lãi suất và đồng USD mạnh lên, đồng naira của nước này sẽ chịu sức ép lớn hơn và vấn đề được đặt ra là Ngân hàng trung ương Nigeria có thể duy trì tỷ giá hiện nay là dưới 200 naira/USD trong bao lâu.

Ngược lại, Trung Quốc có thể chứng tỏ là một trường hợp đặc biệt trong số các quốc gia mới nổi và sẽ vận hành tốt hơn sau bất kỳ quyết định nào của FED được đưa ra để chấm dứt nhiều tháng tranh cãi về vấn đề tăng lãi suất.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngụ ý rằng giá trị của đồng nhân dân tệ trong tương lai sẽ bớt phụ thuộc vào đồng USD và dựa nhiều hơn vào giỏ đồng tiền của các đối tác thương mại, nhờ đó có được công cụ để điều tiết nhu cầu trong nước, hạ lãi suất và thúc đẩy nhu cầu tín dụng.

Lê Minh (Theo AFP)
FED có thể thay đổi quan điểm về lộ trình nâng lãi suất
FED có thể thay đổi quan điểm về lộ trình nâng lãi suất

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen tuần tới sẽ họp về cách thức trấn an các thị trường trước lộ trình có thể cho việc nâng lãi suất trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN