Doanh nghiệp ngóng lãi suất giảm

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), lạm phát giảm thì lãi suất được kéo xuống và thực tế 3 năm qua, lạm phát của Việt Nam đã giảm mạnh. Năm 2015, lạm phát được dự báo ở mức 4- 5%. Rất nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian sớm nhất.

Giảm chưa nhiều


Năm 2014, mặt bằng lãi suất đã giảm so với cuối năm 2013. Trong đó, lãi suất huy động giảm 1,5- 2%, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức thấp hơn giai đoạn 2005- 2006. Lãi suất các khoản vay cũ cũng tiếp tục giảm, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15% chỉ chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ.

Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Việt-TTXVN.


Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội DNNVV cho rằng: Hiện nay, mức lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh phổ biến 7- 10% là vẫn cao so với khu vực. Từ 3 năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động chưa giảm và số doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 10% là không nhiều.

Trong khi đó, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi, Chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết: Năm 2015, chỉ có VietinBank là ngân hàng duy nhất thông báo giảm lãi suất cho vay từ 9% xuống 8,7%/năm, còn các ngân hàng khác chưa có động thái điều chỉnh. Aprocimex vay vốn của ngân hàng Agribank vẫn ở mức 9-10%/năm.

Không chỉ Aprocimex mà nhiều thành viên khác của Hiệp hội DNNVV cũng đang phải vay vốn với lãi suất lên đến 12%/năm; phổ biến từ 8,9 - 10%/năm.

“Ngân hàng cứ nói lãi suất giảm mạnh nhưng đó là so với mức 18 - 20% của những năm trước, còn vốn cho sản xuất, kinh doanh mà lãi suất 9 - 10% thì quá cao, không thể nói là thấp. Cùng cạnh tranh trên một thị trường, doanh nghiệp nước ngoài chỉ vay lãi suất từ 2 - 3%, còn doanh nghiệp Việt Nam vay với lãi suất cao thì sản phẩm khó cạnh tranh được”, đại diện Aprocimex nói.

Một số doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh bình quân lạm phát cả năm 2014 so với cả năm 2013 chỉ nhỉnh hơn 4%, lãi suất cho vay, nhất là cho vay trung và dài hạn ở mức từ 10,5- 12%/năm là quá cao, nên cần phải được giảm ngay trong những tháng đầu năm 2015.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Hạnh Phúc, doanh nghiệp rất muốn vay ở kỳ hạn dài nhưng khó vì kỳ hạn càng dài thì lãi suất cho vay càng cao. Vì vậy, với cách cho vay của ngân hàng như hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể làm ăn kiểu “chụp
giật”, cứ 3 - 4 tháng lại phải đi làm lại hồ sơ vay vốn mới.

Rào cản đầu tư

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “Giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn 1,5 - 2% là hoàn toàn khả thi để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh”.



Để có thể tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, mới đây, NHNN đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 1-1,5% trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, vốn vay trung và dài hạn với các doanh nghiệp là để đầu tư chiều sâu, mở rộng các hoạt động sản xuấ t- kinh doanh. Hiện lãi suất vay dài hạn đang cao hơn so với lãi suất ngắn hạn nên doanh nghiệp rất cân nhắc triển khai các hoạt động đầu tư.

TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng: Doanh nghiệp mong muốn giữ được mức lãi suất ổn định và thấp để họ có thể vay vốn trung và dài hạn ổn định sản xuất.

Dư địa để cho vay các DNNVV hiện vẫn rất lớn, nhất là những doanh nghiệp muốn vay vốn ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, xét điều kiện hiện nay ở Việt Nam khi mà mức lãi suất cho vay kỳ vọng ở mức 5%/năm thì NHTM không đáp ứng được vì phải theo thị trường.


Để thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất trung, dài hạn thêm 1- 2%/năm trong năm nay, TS Trần Du Lịch cho rằng, cũng không cần thiết giảm thêm lãi suất huy động. Với mặt bằng lãi suất huy động 5,5 - 6%/năm hiện nay, cho vay khoảng 9-10%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn, ngân hàng vẫn có lãi.

Còn chuyên gia ngân hàng Cao Sỹ Kiêm chia sẻ: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần phải có nỗ lực từ hai phía là ngân hàng và doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực cắt giảm chi phí nhân sự, bán hàng để giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản xuất. Còn ngân hàng, dư địa giảm lãi suất huy động không còn nhiều vì về nguyên tắc phải duy trì được lãi suất thực dương, nên cần phải giảm chi phí quản trị, chi phí nội bộ.

Tuy nhiên, về phía ngân hàng thì việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn là không dễ. Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước, cơ cấu nguồn vốn hiện nay có tới 85% vốn huy động ở kỳ hạn ngắn chỉ 1-3 tháng. Chưa kể, cho vay trung và dài hạn có độ rủi ro cao hơn so với ngắn hạn nên nhiều ngân hàng lo âu khi duyệt cho vay những hồ sơ vay trên hai năm.

Còn ông Đinh Đức Quang- Phó Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng: Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động ở mức 6,5 - 9,5%/năm tùy ngành nghề, lĩnh vực. Lãi suất cho vay trung và dài hạn có cao hơn nhưng nếu duy trì được những điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản ngân hàng tốt như hiện nay thì lãi suất này có thể được kéo giảm xuống trong thời gian tới.

“Thực tế, có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng chăm sóc rất tốt, sẵn sàng cấp hạn mức tín dụng nhưng vẫn không dám vay. Bản thân họ cũng phải cân nhắc vay vốn với mức rộng cho sản xuất, đầu tư, cân đối đầu ra, đầu vào. Điều quan trọng hiện nay của doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhiều từ các ban, ngành khác để có thể tiêu thụ hàng hóa, ổn định kinh doanh sản xuất”, ông Quang nói.


M.Phương-H.Thanh

Ngân hàng đua hạ lãi suất cho vay tiêu dùng cuối năm
Ngân hàng đua hạ lãi suất cho vay tiêu dùng cuối năm

Càng về cuối năm, nhu cầu cho vay của các ngân hàng càng được đẩy mạnh khi mức tăng trưởng tín dụng chậm. Theo đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng được áp dụng mức cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN