Chứng khoán tháng 6 vẫn “dò” đáy mới

Mặc dù VN-Index đã có 2 phiên tăng điểm trở lại (27-28/5) sau 10 phiên giảm điểm liên tiếp, nhưng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa xuất hiện tín hiệu sáng, các nhà phân tích chứng khoán đều đồng thuận: Hiện tượng tăng điểm của VN-Index xuất hiện ở thời điểm cuối tháng 5 khó có thể duy trì được lâu. Thậm chí sang tháng 6, VN-Index vẫn tiềm ẩn rủi ro tìm "đáy" mới.

Áp lực bán vẫn tiềm tàng

Với các thành viên thị trường, không khó để lý giải hiện tượng sụt giảm điểm “siêu tốc” của VN-Index trong nửa cuối tháng 5 khiến chỉ số này từ hơn 480 điểm rơi xuống 386 điểm (25/5). Tin từ các CTCK cho biết, hàng loạt cổ phiếu (CP) bất ngờ bị bán giá sàn là của các nhà đầu tư (NĐT) dùng đòn bẩy mua CP đổ ra cắt lỗ. Và sở dĩ các NĐT dám dùng đòn bẩy trong tháng 4, 5 vì cho rằng, thị trường khó có khả năng giảm sâu nên gia tăng số lượng CP nắm giữ chờ cơ hội hồi phục.

Một phiên giao dịch tại Công ty chứng khoán Habubank. Ảnh: Lê Phú


Tuy nhiên, việc VN-Index trượt dài tới 10 phiên liên tiếp cùng với diễn biến không sáng sủa của thị trường, các CTCK đã đồng loạt thúc ép NĐT nộp thêm tiền vào để giữ CP hoặc là phải bán cắt lỗ để tất toán khoản vay. Tất nhiên, trong bối cảnh tiền tệ khan hiếm, thị trường thì chưa nhìn thấy triển vọng sáng, các NĐT đều chọn giải pháp bán cắt lỗ. Chính vì thế, thị trường mới tái diễn cảnh CP ồ ạt bị bán giá sàn trong nhiều phiên liên tiếp.

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, số tiền đọng trong thị trường khá lớn, các thành viên thị trường (từ CTCK đến các NĐT) không khỏi quan ngại khả năng thị trường tiếp tục có đợt bán mạnh cổ phiếu để các CTCK thu hồi nợ của các NĐT.

Tiền tệ sẽ vẫn thắt chặt

Theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ còn 1 tháng (hạn giai đoạn I đến 30/6) để các tổ chức tín dụng đưa tín dụng phi sản xuất về mức dưới 22% so với tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, những ngân hàng TMCP đang có mức cho vay tiêu dùng, mua xe, sửa chữa nhà, đầu tư chứng khoán, bất động sản… với tỉ trọng từ 30% – 45% sẽ phải ráo riết hạ về mức quy định. Và các NĐT còn phải lưu ý, việc hạ tỉ trọng tín dụng phi sản xuất xuống dưới 22% mới chỉ là giai đoạn I. Giai đoạn II là đến 31/12/2011, tỉ lệ tín dụng phi sản xuất phải giảm về ngưỡng dưới 16%.

Chỉ thị số 01/CT-NHNN, ngày 1/3/2011: “Thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Trường hợp tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012”.

Về chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định, không thay đổi quan điểm về chủ trương siết chặt tiền tệ. Bởi, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, thắt chặt tiền tệ, nâng cao lãi suất là cơ hội để Việt Nam đào thải những doanh nghiệp yếu kém góp phần tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng năng suất và sử dụng vốn hiệu quả. “Tái cấu trúc lại nền kinh tế, đây cũng là cơ hội cho một thế hệ doanh nghiệp mới, gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn ra đời”, ông Bình nhấn mạnh quan điểm siết chặt tiền tệ.

Đồng thuận quan điểm siết chặt tiền tệ, bên lề Diễn đàn doanh nghiệp năm 2011, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị: “Việt Nam cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ và duy trì mức lạm phát thấp trong vòng 12 - 18 tháng, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô”.

Ông Ayumi Konishi cho rằng, muốn lãi suất giảm một cách bền vững, tạo điều kiện cho kinh tế hồi phục chắc chắn, cần phải thắt chặt tiền tệ dài hơn các giai đoạn trước, nếu không kịch bản lạm phát giống như năm 2010 lại quay trở lại.

Với các diễn biến của tình hình kinh tế vĩ mô, áp lực giải chấp của thị trường chứng khoán và chính sách tín dụng thắt chặt, từ nay đến cuối năm, có thể thấy, tháng 6 vẫn là tháng đầy khó khăn với các NĐT muốn tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN