Chứng khoán phố Uôn 'hạ nhiệt' hậu QE3

Sau khi đón nhận 4 phiên tăng điểm liên tiếp nhờ quyết định tung ra đợt nới lỏng có định lượng mới (QE3) của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 17/9, giữa lúc những lo ngại về hoạt động sản xuất yếu kém của Mỹ đang ngày một gia tăng, trong khi phong trào chống Mỹ tại khu vực Trung Đông cũng đang có xu hướng lan rộng.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 40,27 điểm, tương đương 0,30%, xuống còn 13.553,10 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ nhẹ 4,58 điểm (0,31%), đóng cửa ở mức 1.461,19 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 5,28 điểm (0,17%), xuống mức 3.178,67 điểm.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều đi xuống.


Đầu phiên, dư âm từ gói QE3 và quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục của FED vào tuần trước vẫn giúp các chỉ số chính của Phố Uôn lên điểm. Tuy nhiên, thị trường lại đảo chiều đi xuống vào giữa phiên, sau khi chi nhánh của FED tại Niu Yoóc công bố báo cáo cho thấy chỉ số sản xuất của Niu Yoóc trong tháng 9/2012 đã giảm 5 điểm xuống còn -10,4 điểm, đánh dấu tháng giảm điểm thứ hai liên tiếp của chỉ số này.

Thêm vào đó, chỉ số đơn đặt hàng mới của Niu Yoóc cũng giảm 9 điểm, xuống -14 điểm, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Một yếu tố khác cũng tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu Mỹ là việc Trung Quốc vừa đưa đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để kiện Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với đồ gia dụng, giấy và các vật dụng khác, khiến quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu đang suy yếu.

Tuy nhiên, bất chấp xu hướng giảm chung của các mã cổ phiếu, giá cổ phiếu của tập đoàn máy tính Apple vẫn ngược dòng đi lên sau khi cho ra mắt iPhone 5 và xác lập kỷ lục đơn đặt hàng mới, với 20 triệu đơn đặt hàng iPhone 5 chỉ sau 24 giờ lên kệ. Đóng cửa phiên giao dịch 17/9, cổ phiếu của Apple tăng 1,2%, lên mức 699,78 USD/cổ phiếu

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau “đỏ sàn” do xu hướng bán tháo chốt lời của giới đầu tư diễn ra ồ ạt sau vài phiên tăng điểm mạnh cuối tuần trước. Kết thúc phiên, tại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,37% xuống 5.893,52 điểm. Tại Pari, chỉ số CAC 40 cũng hạ 0,78%, xuống 3.553,69 điểm, trong khi tại sàn giao dịch Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng “tụt” 0,11% xuống 7.403,69 điểm.

Sang tới phiên giao dịch ngày 18/9, diễn biến tại các thị trường chứng khoán châu Á cũng không khá hơn tại Mỹ và châu Âu trong đêm trước. Tại sàn giao dịch Tôkyô của Nhật Bản, chỉ số Nikkkei 225 hạ nhẹ 3,9 điểm (0,04%), xuống 9.155,49 điểm.

Giới phân tích nhận định rằng tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong việc tranh chấp lãnh thổ chính là nhân tố tác động xấu tới tâm lý của các nhà đầu tư và khiến chỉ số này mất điểm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hồng Công cũng đồng loạt đi xuống, chủ yếu là do thị trường đang trông đợi vào những biện pháp kích thích kinh tế từ Chính phủ Trung Quốc, cũng như những căng thẳng ngày một gia tăng giữa Bắc Kinh và Tôkyô. Mở cửa phiên, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt mất 15,10 điểm (0,73%) và 35,99 điểm (0,17%), xuống 2.063,40 điểm và 20.622,12 điểm.


Minh Trang (Theo AFP)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN