Chưa tin tưởng với thanh toán điện tử

Mặc dù hình thức thanh toán điện tử mang lại nhiều lợi ích nhưng thực tế, người dân vẫn chưa “mặn mà” với loại hình này. Người dân vẫn quen dùng tiền mặt để thanh toán trực tiếp mặc dù có trong tay tấm thẻ có dịch vụ thanh toán điện tử.

Ngại rủi ro và chi phí cao

Lướt qua vài website bán hàng qua mạng, chị Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) tìm được chiếc áo ưng ý. Sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký mua hàng trên mạng, chị Hà lựa chọn thanh toán trực tiếp khi nhân viên chuyển hàng đến chứ không chọn thanh toán trực tuyến, dù chị có thẻ để thanh toán. Sau khi nhân viên giao hàng, kiểm tra chiếc áo đúng chất lượng, chị Hà mới thanh toán tiền và nhận hàng. “Một vài lần trước tôi có mua hàng qua mạng, thanh toán bằng thẻ, nhưng khi nhân viên giao hàng đến thì chất lượng quá tệ, không đúng như quảng cáo nhưng không trả lại được, món đồ đó cũng không dùng đến. Vì vậy, tôi luôn chọn thanh toán bằng tiền mặt để tránh rủi ro”, chị Hà cho biết.

Người dân vẫn có thói quen dùng tiền mặt thay vì thanh toán điện tử qua thẻ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Còn chị Thanh Thanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, gần đây chị có vào một siêu thị có tiếng ở Hà Nội để chọn mua kính. Đinh ninh các cửa hàng trong siêu thị sẽ có thanh toán tiền bằng thẻ. Sau khi chọn được gọng và cắt mắt kính hết gần 1.000.000 đồng, chị Thanh đưa thẻ cho nhân viên thanh toán thì nhân viên của cửa hàng nói rằng máy thanh toán bị hỏng nên phải thanh toán tiền mặt. Chị Thanh đã phải chạy đi nhiều nơi để tìm cây ATM rút tiền thanh toán. “Không chỉ cửa hàng này mà có nhiều cửa hàng lần nào đến cũng thấy báo thanh toán thẻ bị hỏng nên mình luôn chủ động rút tiền mặt để đỡ phải lo lắng”, chị Thanh chia sẻ.

Tâm lý “ngại” thanh toán bằng thẻ không chỉ đến từ phía người tiêu dùng mà cũng từ chính các cửa hàng hiện nay. Cửa hàng bán đồ chơi trẻ em của anh Sơn gồm 4 tầng, thuộc dạng to nhất nhì tại đường Kim Mã nhưng anh cũng không thực hiện thanh toán qua thẻ. Bởi để cạnh tranh với nơi khác, cửa hàng anh đã phải bán giá sát nhất với giá gốc, nếu như lắp thẻ mà trừ thêm chi phí hơn 2% nữa thì sẽ không đủ sức để cạnh tranh.

Tương tự, chị Hồng Hạnh, chủ một cửa hàng quần áo trên đường Kim Mã cho biết, khi khách hàng thanh toán qua các loại thẻ visa, master thì cửa hàng chị sẽ phải thanh toán thẻ là 2,2%, trong khi đó phải mất khoảng 2 ngày thì tiền mới về đến tài khoản, tuy nhiên do nhu cầu của khách hàng nên chị vẫn lắp POS thanh toán qua thẻ.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn là cản trở lớn nhất đối với thương mại điện tử Việt Nam. 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay là giao dịch tại các máy ATM, trong đó doanh số rút tiền mặt chiếm hơn 85%, doanh số chuyển khoản chiếm gần 14%, doanh số thanh toán tại đơn vị chấp nhận thẻ hơn 1,07%. Do đó, mong muốn về một xã hội không tiền mặt, một nền kinh tế phi tiền mặt vẫn còn là ước mơ xa vời.

“Nhiều người vẫn thiếu lòng tin, tâm lý lo ngại rủi ro, sợ bị lừa khi mua hàng và đặc biệt khi thanh toán trực tuyến, vì vậy mà các dịch vụ thanh toán điện tử chưa phát triển”, bà Loan cho biết.

Tạo niềm tin từ chính sách

Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính yếu bên cạnh thói quen của người tiêu dùng là do hiện nay, chúng ta vẫn chưa có các chính sách, cơ chế cụ thể, mạnh mẽ nhằm khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thanh toán điện tử, nhất là khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp, các hộ và cá nhân kinh doanh bán lẻ trong triển khai thanh toán điện tử, thuyết phục khách hàng, người tiêu dùng.

Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 của Bộ Công Thương, các kênh và phương tiện thanh toán như ATM, POS, thẻ ngân hàng bùng nổ nhưng giao dịch thanh toán điện tử chưa phát triển tương xứng. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hơn 3 tỷ USD nhưng thanh toán điện tử mới chiếm 5% giá trị mua sắm hàng hóa dịch vụ.

Do đó, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân, người tiêu dùng và các nhà bán lẻ về lợi ích, về hiệu quả của thanh toán điện tử thì Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng làm quen cũng như tiến tới hạn chế tới mức tối đa sử dụng tiền mặt. Các ưu đãi hoạt động thanh toán điện tử như hoàn thuế, khấu trừ thuế cho các giao dịch thanh toán điện tử để thúc đẩy thanh toán qua thẻ cần được khuyến khích

Bà Đinh Thị Mỹ Loan đề xuất, đối với các nhà bán lẻ, cần giảm tối đa chi phí để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách hàng thanh toán qua POS trong giai đoạn trước mắt, tránh tâm lý e ngại phải trả thêm phí trên doanh số thanh toán cho ngân hàng, ảnh hưởng đến lợi nhuận vốn đã “còm cõi” trong thời cạnh tranh khốc liệt.

“Thanh toán điện tử không chỉ tập trung vào hệ thống bán lẻ hiện đại mà cần được quan tâm đẩy mạnh ở hệ thống bán lẻ truyền thống và thị trường bán lẻ nông thôn. Các ngân hàng và các nhà bán lẻ cần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để có các giải pháp thanh toán điện tử hỗ trợ cho các nhà bán lẻ ở các phân khúc khác nhau”, bà Loan cho biết.

Một vấn đề nữa các chuyên gia khuyến cáo, đó là để tăng niềm tin vào thanh toán điện tử, mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng thì điều mấu chốt là quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo đến đâu. Khi người dân tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng hóa thì họ sẽ không ngại thanh toán trực tuyến như hiện nay.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, quyền lợi của người tiêu dùng là thành tố rất quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử. Thời gian qua, hành lang pháp lý trong thương mại và thanh toán điện tử đã có nhưng vẫn chưa đầy đủ. Việc xây dựng chính sách cho vấn đề này cũng chưa đề cập đến những hành vi vi phạm, gian lận hoặc hoạt động phi pháp lợi dụng thương mại điện tử để trục lợi.

“Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng một nghị định trình Chính phủ, tạo lập chế tài kiểm soát hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt hướng tới đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như của doanh nghiệp, phù hợp với quy định chung của thương mại điện tử và thanh toán điện tử”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Trang Thu
Thẻ tín dụng nhiều, dùng ít
Thẻ tín dụng nhiều, dùng ít

Thời gian qua, các ngân hàng đua nhau phát hành thẻ tín dụng để tăng trưởng doanh thu dịch vụ bán lẻ. Thống kê của Hiệp hội thẻ Việt Nam cho thấy, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đã đạt gần 86 triệu thẻ. Tuy nhiên, theo Tổ chức Banknet.vn, hiện có đến 50% số thẻ đang lưu hành tại Việt Nam lại không hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN