“Chợ đen” USD sẽ không hoành hành?

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận định: Việc tăng tỷ giá liên ngân hàng thêm 9,3% là cần thiết, kéo khoảng cách giữa giá USD của ngân hàng lại gần với giá USD trên thị trường tự do. Phóng viên Tin Tức đã trao đổi vấn đề này với chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh (ảnh).

Thị trường đang chịu tác động lớn từ hiệu ứng tâm lý điều chỉnh tỷ giá. Nhiều mặt hàng tăng giá với lý do VND bị phá giá đến 9,3%. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là việc làm cần thiết nhằm thu hẹp sự chênh lệch với tỷ giá trên thị trường tự do. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng, năm nay mục tiêu lạm phát của chúng ta là 7% nên cần phải lường trước để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ quyết định này.

NHNN tăng tỷ giá lên tới 9,3% đã tạo ra hiệu ứng tâm lý, đây là lần đầu tiên điều chỉnh tỷ giá với mức kỷ lục. Người dân và doanh nghiệp không quan tâm tới việc điều chỉnh biên độ mà chỉ quan tâm tới việc giá đô la tăng lên như thế nào (thời điểm này tăng tới gần 10%). Nếu chỉ tăng tỷ giá với mức 6% đồng thời điều chỉnh biên độ thì câu chuyện đã hoàn toàn khác.

Tuy nhiên, có thể nói việc điều chỉnh tỷ giá lần này là đúng về mặt kỹ thuật nhưng lại không lường trước được hiệu ứng tâm lý. Thị trường mấy ngày qua đang chịu tác động lớn từ hiệu ứng tâm lý này.

Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động thế nào tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thưa ông?

Theo tôi, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy không tác động nhiều đến mức tăng CPI ngay trong tháng 2 mà sẽ ảnh hưởng tới CPI của tháng 3. Thông thường CPI tháng 3 giảm hoặc đứng thì mới có thể giữ được mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, Chính phủ lại vừa tuyên bố tăng giá điện vào tháng 3/2011, như vậy CPI tháng 3/2011 khó giữ được ở mức bình thường.

Ngoài ra, trước đây, nhiều doanh nghiệp khi giao dịch ở ngân hàng thương mại cũng không mua được đô la theo đúng tỷ giá niêm yết của ngân hàng. Sau khi cộng các loại phí, doanh nghiệp mua đô la với mức giá tương đương thị trường tự do.


Vì vậy, việc điều chỉnh lần này giúp doanh nghiệp hạch toán tốt hơn (các công ty không phải hạch toán giá bán sản phẩm theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng là 19.500 đồng/USD mặc dù họ phải mua đô la ngoài thị trường tự do với mức giá cao hơn).


Cũng có quan điểm cho rằng: Điều chỉnh tăng tỷ giá thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi, với nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhưng lại phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để làm hàng xuất khẩu như Việt Nam, điều này không hẳn đúng. Tỷ giá tăng đẩy giá thành đầu vào lên theo cho nên chưa chắc đã được lợi cho đầu ra khi xuất khẩu.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để xóa tình trạng hai tỷ giá?

Nếu muốn đạt hiệu quả cao trong việc điều tiết thị trường và xóa tình trạng hai tỷ giá, NHNN phải có trong tay một nguồn USD đủ lớn, kèm theo nhiều biện pháp đồng bộ khác thì mới hy vọng giữ tỷ giá ổn định và không tiếp tục “leo thang”.


Hiện trên thị trường tự do, giá đô la tăng mạnh kể từ sau quyết định điều chỉnh của NHNN. Sáng 15/2, giá USD bán ra ở mức 21.700 đồng. Trong khi đó, tại ngân hàng, đô la được niêm yết bán 20.910 đồng (dù đã giảm 10 đồng so với ngày 14/2). Hiện mình vẫn thiếu biện pháp để làm cho thị trường tự do không quá biến động.

Xin cảm ơn ông!

Lê Nghĩa thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN